Múa Chăm trên tháp Ponagar

Múa Chăm trên tháp Ponagar

BT- “Nếu như ngọn tháp Po Sah Inư (Phan Thiết) uy nghiêm và cổ kính đã thu hút du khách  thì tháp Bà Ponagar,  Nha Trang, (Khánh Hòa) cũng là một trong những điểm tham quan của du khách”.

Kiến trúc độc đáo

Tháp Bà Ponagar, (Po Ina Nagar) là một quần thể gồm nhiều tòa tháp nằm trên  Cù Lao bên cạnh cầu Xóm Bóng và cửa sông Cái thuộc phường Vĩnh Phước, Nha Trang.  Tháp là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Chăm ở thế kỷ XIII dưới vương triều Panduragan thuộc vương quốc cổ Chămpa. Nơi đây thờ nữ thần Ponagar của dân tộc Chămpa và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ dưới chân núi, theo bậc thang lát đá lên cao là những trụ gạch to màu đỏ quạch có chiều cao 5m xếp thành hàng dài. Men theo lối đi lên đỉnh đồi là những ngôi tháp và miếu thờ được xây bằng gạch. Trên mỗi ngôi tháp đều có họa tiết là các tượng nữ thần với bầu vú căng tròn, chắc khỏe và đầy sức sống, còn đỉnh tháp là tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin hay những bức tượng vũ công, người chèo thuyền… tất cả đều được tạc vào đá ở mặt ngoài của tháp.

Du khách đi qua hai hàng cột xây bằng đất nung cao sừng sững, tiến vào sâu bên trong đã thấy bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà ngang. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18m, một cao 22,48m là nơi du khách nước ngoài lẫn trong nước bước vào chiêm ngưỡng, cúng bái.

Chăm trên tháp Bà Ponagar.
Dệt thổ cẩm, công việc hàng ngày của các cô gái Chăm.

Múa Chăm

Vừa lên tháp đã nghe thấy tiếng khèn, trống vang lên. Du khách không ai bảo ai đều rảo bước đến nơi đang phát ra âm thanh quyến rũ, mời gọi. Một “sân khấu” lộ thiên với đầy đủ khăn, quạt, chum… đã được chuẩn bị sẵn. 6 cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, đầu đội chum, tiến ra “sân khấu” và  bắt đầu điệu múa, dáng vẻ thật uyển chuyển, nhịp nhàng, khéo léo qua cách di chuyển của cơ thể và tay chân hòa cùng tiếng khèn Saranai, tiếng trống Paranưng của các chàng trai Chăm...

Múa Chăm là bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và là sự kết hợp tuyệt vời giữa màu sắc, vũ điệu, âm nhạc của người Chăm. Mỗi  động tác của các thiếu nữ Chăm là sự thể hiện thói quen, cách sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống, khiến du khách cứ mãi… ngẩn ngơ và say cùng điệu múa...

Và… dệt thổ cẩm

Hoàn tất phần biểu diễn, các cô gái Chăm lại quay về với công việc đang dở dang: dệt thổ cẩm  thủ công.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mà  phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Từ 10 – 12 tuổi, họ tập những thao tác đơn giản nhất. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi đưa tay chạm vào chiếc khung dệt cổ truyền bằng gỗ gõ, gỗ trắc được đóng cách đây hàng trăm năm hay mải mê nhìn ngắm các cô gái Chăm mắc sợi trên khung, dùng tay lòn con thoi đưa qua đưa lại… Những sản phẩm như: ba lô, túi xách, khăn bàn thổ cẩm… với những họa tiết, màu sắc đa dạng, bắt mắt được hình thành từ đôi tay thoăn thoắt của họ rất phù hợp với  thị hiếu của du khách.

Duy Quang

Cập nhật ngày 08-03-2013
Xem tin theo ngày