Du lịch tìm hiểu

Du lịch tìm hiểu: Lên Phan Dũng

BT- Xã Phan Dũng (Tuy Phong) có diện tích hơn 322 km2. Phần lớn là núi rừng bao phủ, giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Trung tâm xã Phan Dũng nằm gọn trong một thung lũng khá rộng. Nơi đây có 192 hộ đồng bào Rắc-lây sinh sống với hơn 800 nhân khẩu. Cho đến nay  họ vẫn giữ tiếng nói, phong tục riêng... Ngày nay khâu canh tác nông nghiệp của đồng bào  đã có nhiều thay đổi. Từng bước tiếp cận phương pháp canh tác mới. Đã xuất hiện máy móc, thiết bị, kỹ thuật canh nông hiện đại trên đồng ruộng. Gần đây, với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, hồ chứa Phan Dũng phát huy tác dụng, mang lại sức sống mới cho ruộng đồng.

Hồ chứa Phan Dũng rộng hơn 300 ha. Xây dựng từ năm 2009 với tổng vốn 227 tỷ đồng. Hồ có dung tích hữu ích hơn 11 triệu m3/năm.  Mặt hồ mênh mông, tạo nên cảm giác mới lạ giữa không gian núi rừng. Hai vách núi là điểm tựa để làm nên đập chắn, ngăn dòng nước từ  sông suối tự nhiên chảy vào thành lòng hồ nhân tạo.

Công trình hồ thủy lợi Phan Dũng đang phát huy hiệu quả.

Phải mất hơn 4 năm, Công ty Xây dựng hạ tầng Bình Thuận và Công ty Phan Đình mới hoàn thành công trình này. Trên miền ngược nhiều năm cháy khát, giờ đây đã tích trữ được một nguồn nước dồi dào. Nguồn nước ấy quý giá biết bao. Hàng trăm ha đất nông nghiệp khô cằn đã được tưới, mang đến những vụ mùa bội thu. Nhờ đó, đời sống của đồng bào no đủ hơn. Bà Chế Thị Sa mộc mạc nói: “Ruộng ngày xưa thiếu nước. Bây giờ nước hồ về đầy đủ, sợ không có sức mà làm ấy chớ”.

Xã Phan Dũng có  8 cánh đồng. Đó là: Tà Cang, Tà Uông, Tà Hoàng, Tà Pô, Tân Lê, Tân Thú, Toa và Phùm. Có hơn một nửa trong số 8 cánh đồng của xã Phan Dũng đã sử dụng nguồn nước thủy lợi. Anh Mang Xích – người dân trong xã cho biết: “Trước đây mình làm lúa mùa và bắp địa phương. Bây giờ Ban Dân tộc miền núi có đầu tư phân bón, giống, thuốc men, nên từ 2003 đến nay, chúng mình sản xuất lúa thuần không. Thu nhập vì vậy cao hơn”.

Nước thủy lợi tưới mát ruộng đồng xã Phan Dũng.

Trước đây, đồng bào Rắc-lây chỉ sản xuất một vụ lúa dài ngày, bấp bênh.  Điều kiện canh tác lạc hậu, thú rừng thường xuyên quấy phá, nên tình trạng thiếu ăn xảy ra triền miên. Cuộc sống khốn khó, có những thời điểm phải lên rừng đào củ, hái lá về ăn. Còn bây giờ, tình hình trở nên sáng sủa hơn. Cùng với phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Phan Dũng được nâng cao. Đường  giao thông từ miền ngược lên miền xuôi thuận lợi, tác động tích cực đến hoạt động giao thương buôn bán. Điện, đường, trường, trạm, các công trình công ích… lần lượt mọc lên. Phan Dũng, từ một xã đói nghèo lạc hậu, nay từng bước vươn lên.

Sự đầu tư về hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… là bước đệm, giúp  đồng bào Rắc-lây Phan Dũng vươn lên.  Trong tương lai, người dân địa phương thực sự làm chủ cuộc sống của mình, không còn phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của Nhà nước. Lên Phan Dũng hôm nay, chúng tôi tin rằng, miền sơn cước này sẽ tươi sáng hơn trong bức tranh rực rỡ, huy hoàng.

KHẢI NGUYÊN

Cập nhật ngày 04-01-2013
Xem tin theo ngày