HÒN BÀ - danh thắng bị bỏ quên
HÒN BÀ - danh thắng bị bỏ quên?
BT- Khái quát về thiên
nhiên của thị xã La Gi (Bình Thuận) thì Hòn Bà trở thành một biểu trưng khá ấn
tượng, khó nhầm lẫn với bất cứ vùng đất biển nào. Đó là một hòn đảo nhỏ quanh
năm bao phủ màu xanh cây lá và giống như một con rùa khổng lồ, ngẩng cao đầu lên
sóng bạc bơi về phương nam. Cũng
có người ví von, Hòn Bà như một nốt nhạc trên những làn sóng lung linh hay một
dấu chấm than của một huyền thoại sử thi Thiên Y Ana- Bà Chúa Ngọc…
|
Hòn Bà - La Gi. |
Năm 2012, tỉnh Bình Thuận
quyết định xếp hạng Hòn Bà là Di tích danh thắng nhưng lại tiếp tục lãng quên dù
cách xa bờ chừng 2 cây số. Hòn Bà không chỉ đẹp với cảnh quan thiên nhiên kỳ
thú, mà còn gắn với một sự tích có gốc gác văn hóa Chăm từ phiến đá nguyên sơ
mang hình ảnh Po Inư Nưga bà mẹ xứ sở, nhưng trong quá trình phát triển, hội
nhập của cộng đồng người Việt thì trở thành Thiên Y Ana thánh mẫu. Cũng từ ấy
người dân địa phương truyền tụng nhau về câu chuyện tình rất đẹp với hồi kết là
cảnh ly tan với các địa danh Núi Ông (Tánh Linh), suối Nước Nóng (Bình Châu) và
Hòn Bà, đậm chất nhân văn và tâm hồn Việt. Đó cũng là giá trị văn hóa độc đáo
của di tích Hòn Bà.
Trước 1975, thường nghe câu
truyền miệng nhau “Hòn Bà là động tiên sa” đã nói lên vẻ đẹp hoang đường, thơ
mộng ở đây. Còn sách Đại Nam nhất thống chí, từ giữa thế kỷ 19 đã mô tả đảo
Thiên Y: “Ở cửa tấn La Di, phía tây nam huyện, tục gọi Hòn Bà. Đảo ấy chu vi hơn
200 trượng; từ mặt nước đến trên đỉnh hơn 30 trượng, cây cổ thụ xum xuê. Trên
đỉnh núi có một chỗ bằng phẳng ước độ 2 trượng 4 thước, có ngôi đền cổ thờ tượng
đá A Diễn Bà”… Cách đo đạc ngày xưa so với bây giờ không mấy phù hợp nhưng hiện
trạng Hòn Bà có đường chu vi trên 700 m và địa hình vách đá, cây xanh được tạo
hóa bày ra một cách ngẫu hứng dễ gây cho lòng người những cảm xúc an nhiên.
So sánh với Hòn Bà ở mũi
Nghinh Phong (Vũng Tàu) mới thấy sự khác biệt khá xa. Nơi này chỉ bằng phân nửa
diện tích, cách bờ chỉ 200 m và chỉ là một ngôi miếu thờ cúng Thủy long thần nữ
theo tín ngưỡng của ngư dân, nhưng ngôi miếu được xây dựng khá quy mô, bề thế.
Trong năm có 4 kỳ tế lễ và trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút từ nhiều năm
nay. Du khách đi bằng thuyền ra đảo hoặc đợi lúc thủy triều rút thì đi lần theo
con đường tự đắp bằng những tảng đá lởm chởm mà vẫn đông người. Không xa, cách
Hòn Bà (La Gi) không đầy 8 km trên biển, hải đăng Kê Gà từ lâu trở thành điểm
đến của khách du lịch khắp nơi. Bằng những dịch vụ vận chuyển trên chiếc thúng
chai, thuyền con vẫn cho khách đặt chân lên hòn đảo này một cách dễ dàng.
Trong khi đó, khách du lịch
muốn tham quan, cúng viếng đền thờ Thiên Y- Hòn Bà thì lại không có bất cứ
phương tiện nào phục vụ. Sự quản lý khá nghiêm của Trạm Biên phòng ngay cửa biển
chỉ đơn giản là lệnh từ trên không cho ra đảo. Năm 2007, trong danh mục Dự án
kêu gọi đầu tư của UBND thị xã La Gi giới thiệu dự án Khu du lịch cộng đồng Đồi
Dương và Hòn Bà (thuộc phường Tân Bình) nhưng đã trên 10 năm nay vẫn còn trên
giấy. Có lần chủ Resort Ba Thật mạnh dạn đầu tư một chiếc thuyền làm dịch vụ đưa
du khách tham quan đảo Hòn Bà nhưng ngành chức năng của tỉnh không cho phép. Lý
do là tại Hòn Bà không có công trình bến cảng cho thuyền neo đậu… đành thua! Tìm
hiểu qua ngành văn hóa thông tin địa phương với câu hỏi thế thì việc công nhận
Hòn Bà là di tích danh thắng mà sao lại không có giải pháp nào để tạo điều kiện
cho khách du lịch tham quan? Vẫn không có được câu trả lời. Trong khi đó trên
các văn bản, sản phẩm văn hóa đề cập về tiềm năng văn hóa, du lịch ở La Gi luôn
coi như một địa chỉ thần thoại với nhiều mỹ từ đúng trên thực tế địa hình, cảnh
quan ở đây. Điều trái ngược, khách du lịch càng háo hức được một lần đến thì do
thời gian quên lãng quá dài đã tác động đến cơ sở thờ phụng không theo yêu cầu
thiết chế, vệ sinh môi trường đảo ngày càng đối mặt với nguy cơ tích tụ, ô
nhiễm. Cũng do tình trạng “cấm chỉ” ra đảo, ngay trên bờ tồn tại một ngôi Miếu
Ba Cô (ở Tân Long) nay trở thành địa chỉ cúng bái Bà Thiên Y càng đẩy xa dần bản
sắc văn hóa đối với di tích Hòn Bà.
PHAN CHÍNH