Hàm Tân có một vườn rừng sinh th

Hàm Tân có một vườn rừng sinh thái!

BT- Một  vườn rừng sinh thái của Công ty cổ phần Cát Vân đang từng bước hình thành trên phần đất từng là ao đìa bỏ hoang, bãi sú vẹt  tại xã Thắng Hải (Hàm Tân).

 Đầu năm 2011, sau những thủ tục thuê 47 ha đất, gồm toàn ao đìa, bãi sú vẹt, mương nước chằng chịt do nông dân nuôi tôm để lại, Công ty cổ phần Cát Vân triển khai xây dựng  khu du lịch Cát Vân. Ông Nguyễn Công Sanh, Trưởng ban quản lý khu du lịch, nói: “Cát Vân muốn đón bắt cơ hội phát triển. Điều này cũng nằm trong định hướng phát triển du lịch ở vùng ven biển của các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có Hàm Tân”.

 Quả thật thế, tính từ Thắng Hải của Hàm Tân, càng đi vào phía Nam càng gặp nhiều khu du lịch  ven biển. Đó là khu Casino Hồ Tràm, suối nước nóng Bình Châu, là Long Hải tourist, là Vũng Tàu… Nhiều người dự đoán, từ Hàm Tân vào đến Vũng Tàu sẽ là cung đường ven biển tấp nập du khách trong vài năm tới, bởi các tỉnh đều hướng đến phát triển du lịch ven biển. Vì vậy,  cùng với việc đón bắt cơ hội, Cát Vân còn hướng tới việc khôi phục phần nào cảnh quan thiên nhiên đã mất trên vùng đất này (xưa kia từng là rừng xanh), trong việc xây dựng khu du lịch Cát Vân thành khu nghỉ dưỡng sinh thái…  Đã có hàng ngàn cây xanh các loại (kẻ bạc, sứ cùi, dương liễu, dừa các loại…) được trồng, tạo nên những vườn cảnh, công viên, khu vui chơi ngoài trời trong thời gian không dài. Điều đó gần như là một cuộc vật lộn giữa thiên nhiên và con người, bởi đất ở đây gần như 100% nhiễm mặn. 

Ông Sanh có không ít kỷ niệm về nơi này. Đó là khi ông rời cương vị Bí thư Huyện ủy Hàm Tân vài tháng thì  được mời làm Trưởng Ban quản lý dự án Cát Vân tại Thắng Hải, cách nhà gần 30 cây số. Những ngày làm việc đầu tiên, ông phải làm quen với cái nóng, sự thiếu nước ngọt. Có người khi nghe ông nói “khôi phục màu xanh trên vùng dự án” đã tỏ ra nghi ngờ. Nghi ngờ là phải vì họ sinh ra, lớn lên từ đất này, không hiểu đất thì ai hiểu?. Tuy vậy, ông Sanh vẫn tin sẽ tìm được giải pháp. Sau mấy đêm suy nghĩ, ông gọi điện cho người có trách nhiệm cao nhất của dự án, nói: “Đất nhiễm mặn  chỉ có dừa là thích hợp! Nếu trồng cây cảnh  phải lót thật nhiều mùn và phân hữu cơ”.  Sau đó ít lâu, dừa được trồng thành vườn trên lối đi, ven hồ, ao đang cải tạo... Ông Sanh tiếp: “Ở Tân Thắng trưa và chiều rất gió. Gió vặt hết lá cây. Trong những lúc như thế, chỉ có cây rừng còn sót trên đất dự án may ra mới chịu được gió. Cái đó khoa học gọi là thích nghi với môi trường tự nhiên. Và rồi một ý nghĩ chợt đến với ông Sanh. Đó là thay vì  khai thác số cây rừng, lấy gỗ củi, Cát Vân sẽ dưỡng cây, giữ gìn những gì của thiên nhiên còn sót lại. Kết quả, sau 6 năm (2011 - 2016), bên cạnh hơn 60  ngàn cây các loại  được trồng (trong đó có vườn dừa rộng gần 10 ha), Cát Vân từng bước khôi phục một vườn rừng tái sinh.

Từ ngày rừng tái sinh, một số loài động vật như: sóc, cu xanh, cò vạt, gà rừng… đã về làm tổ. Hiện nay vườn rừng này được bảo vệ kỹ lưỡng bởi người của công ty và cả người dân sống gần dự án. Một người dân thật thà, nói: “Trước đây chúng tôi đi làm thuê nhiều nơi, song thu nhập không nhiều. Giờ  gần 50 người chúng tôi đã là nhân viên của công ty. Lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Được tham quan, nghỉ dưỡng cuối năm, chưa kể lễ, tết đều có quà… Con cái chúng tôi rồi cũng sẽ làm cho Cát Vân… Đó là lý do để chúng bảo vệ của cải của công ty!” Như để chứng minh, người này giới thiệu với chúng tôi một thanh niên còn rất trẻ tên Trọng, là  bảo vệ mới tuyển của công ty. Trọng hăng hái dẫn chúng tôi tìm hiểu cả khu dự án rộng lớn, cũng như lội xuống một ao sen, hái tặng khách những bông sen, bông súng mà em bảo khá đẹp! Trước khi chia tay, Trọng bảo: “Chỉ vài năm nữa thôi, Cát Vân sẽ là nơi ghé đến của nhiều du khách!”.

Hoàng Hạc

Cập nhật ngày 21-01-2017
Xem tin theo ngày