Mũi Né - hành trình khẳng định t

Mũi Né - hành trình khẳng định thương hiệu điểm đến

Bài 1: Đi lên từ bước ngoặt

Bài 2: Thêm niềm tin, vượt thách thức

BT- Trên chặng đường khẳng định thương hiệu của điểm đến Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận, địa phương cũng định hướng khai thác và tập trung phát huy hiệu quả thế mạnh du lịch qua từng giai đoạn.

Điểm đến Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận nỗ lực phục hồi và tiếp tục khẳng định điểm đến an toàn sau dịch Covid - 19 (ảnh minh họa).

Vào nghị quyết

Nhận thức vai trò và vị trí quan trọng của ngành “công nghiệp không khói”, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và phấn đấu thực hiện đạt kết quả theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Như triển khai Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (khóa XII) về phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, cho thấy hình ảnh và thương hiệu du lịch Bình Thuận tiếp tục được khẳng định trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành khá ổn định cả về lượng khách (tăng bình quân 10,95%/năm) và doanh thu từ khách du lịch (bình quân tăng gần 25%/năm), riêng lao động trong lĩnh vực du lịch tăng bình quân 12,3%... Dù vậy trong giai đoạn này, du lịch địa phương phát triển chưa mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Do vậy vào tháng 10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời phát triển du lịch hướng đến chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại và sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển - đảo, du lịch khám phá lặn biển và sinh thái tự nhiên gắn với điểm đến của thương hiệu Hàm Tiến - Mũi Né cũng như các điểm đến có tiềm năng như Hòn Rơm, Hòa Thắng, Hòn Lan, La Gi…

Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy Bình Thuận còn ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020. Nhiệm vụ và giải pháp đề ra là tập trung đổi mới nhận thức cũng như tư duy về phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành bảo đảm tính chuyên nghiệp, đầu tư hạ tầng lẫn vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực… Để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và vươn lên xứng tầm, kế hoạch của Tỉnh ủy cũng tính đến đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển du lịch. 

Thêm niềm tin…

Chuẩn bị cho chặng đường sắp tới, gần đây địa phương còn chủ động phối hợp thực hiện nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển du lịch với lộ trình phù hợp điều kiện, tình hình tỉnh nhà… Và có thể nói, Đề án định hướng phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn Mckinsey & Company phối hợp xây dựng, bàn giao trong năm vừa qua như “luồng gió mới” trên lĩnh vực du lịch. Mà theo nhận xét của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đề án là một tài liệu khoa học quan trọng nghiên cứu toàn diện về du lịch. Do vậy sẽ làm cơ sở cho các sở, ngành, địa phương cập nhật, bổ sung và chọn lọc để tiếp tục đưa vào xây dựng nghị quyết của Tỉnh ủy trong giai đoạn mới…

Đề án nêu trên đã đưa ra hàng loạt sáng kiến chủ đạo giúp Bình Thuận đạt được khát vọng tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới, song phần lớn các sáng kiến đều có vị trí xoay quanh Mũi Né. Trong đó có “Bến du thuyền đẹp nên thơ” dài 1,5 km ở trung tâm Mũi Né, được phác thảo tương tự như các điểm ngắm cảnh dọc Con đường Đại dương Vĩ đại tại Úc với không gian mở phù hợp tổ chức hoạt động ngoài trời (thể thao, gala văn hóa, lễ hội ẩm thực, chiếu phim…). Đối với “Khu phố bar sôi động” thì dự kiến ở khu vực cao giữa Mũi Né và Đồi Cát đỏ với tầm nhìn ra biển, có chủ đề du lịch biển giải trí và cuộc sống về đêm đóng vai trò then chốt. Ngoài ra còn có các sáng kiến “Sự kiện lướt ván diều quốc tế”, “Khu mua sắm ngoài trời”, “Trung tâm hội nghị và triển lãm”… cũng xuất phát từ danh tiếng Mũi Né được đông đảo du khách biết đến. Từ tiềm năng và lợi thế của địa phương, đại diện lãnh đạo Tập đoàn McKinsey & Company kỳ vọng du lịch Bình Thuận có thể cán mốc đón 22 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng vào năm 2030. 

Vượt thách thức

Việc duy trì mức tăng trưởng 2 con số cả về lượng khách và doanh thu từ du khách trong suốt chặng đường qua là kết quả rất ấn tượng đối với một điểm đến “sinh sau, đẻ muộn” như Bình Thuận. Song trong năm 2020, đại dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát lây lan toàn cầu, khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tác động tiêu cực trên diện rộng. Ngay tại Bình Thuận, có thời gian các cơ sở lưu trú đã thực hiện tạm dừng đón khách mới (từ 18/3 đến hết ngày 22/4), còn doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 2/2020…

Vượt thách thức mang tên Covid - 19, nên ngay sau dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, ngành du lịch địa phương đã tái khởi động Chương trình “Oh Wow! Mũi Né” (Ngạc nhiên Mũi Né) với mục tiêu huy động toàn lực để chung tay xây dựng điểm đến Bình Thuận. Đây cũng là hoạt động tạo sự gắn kết giữa các thành phần liên quan đến ngành, nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp cũng như chung sức quảng bá ấn tượng hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận… Với “Oh Wow! Mũi Né”, chương trình sẽ xúc tiến vận động các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, điểm tham quan và dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận tham gia chương trình thẻ vip ưu đãi, miễn phí cho du khách. Đặc biệt còn hướng đến phát hành 1 triệu thẻ vip “Oh Wow! Mũi Né” ưu đãi, miễn phí đến 50% trong thời gian 3 năm thí điểm chương trình (từ 2020 - 2022) đối với tất cả dịch vụ dành cho du khách trong lẫn ngoài nước khi chọn điểm đến Bình Thuận.

Trong tháng 7/2020, địa phương và ngành còn tổ chức phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” năm 2020 trên địa bàn Bình Thuận. Sự kiện được tổ chức với mục đích công bố các gói sản phẩm kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh kích cầu nội địa và quảng bá hình ảnh Bình Thuận là điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 và góp phần phục hồi tăng trưởng cho toàn ngành trong những tháng còn lại của năm 2020.

Hiện chương trình kích cầu du lịch mang tên “Du lịch an toàn - An toàn để đi du lịch” cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia ký biên bản ghi nhớ, nhằm góp phần phục hồi du lịch sau đợt tái bùng phát dịch Covid - 19. Chương trình này do Vietravel tổ chức đến 4 địa phương được xem là du lịch an toàn, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và là chương trình đầu tiên của cả nước được thực hiện thí điểm trên cơ sở khảo sát của Vietravel đối với tâm lý đi du lịch từ du khách tại thời điểm hiện nay.

Với nhiều giải pháp thiết thực đã và đang triển khai, du lịch Bình Thuận từng bước vượt qua thách thức chưa từng có kể từ khi hình thành, phát triển cho đến nay. Từ đó giữ vững thương hiệu Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận là điểm đến an toàn, tiếp tục khẳng định vị trí ngành kinh tế mũi nhọn và có đóng góp xứng tầm vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngay sau khi vượt qua thách thức…

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 01-10-2020
Xem tin theo ngày