Đi tìm Văn miếu Bình Thuận xưa

Đi tìm Văn miếu Bình Thuận xưa

Bài 1: Tản mạn qua thư tịch cổ

BT- Trong bài “Người Bình Thuận xưa được thờ ở Văn miếu Trấn Biên” (Bình Thuận cuối tuần, số 6336, ngày 2/8/2019), có chi tiết: Văn miếu Bình Thuận được xây dựng vào năm 1826, địa phận 2 thôn Bình Thủy, Lạc Sơn (nay thuộc huyện Bắc Bình). Qua tìm hiểu tư liệu, kết hợp điền dã, xin làm rõ hơn về công trình được xem là biểu tượng giáo dục Nho học của đất nước, từng xuất hiện trên vùng đất Bình Thuận xưa.

Di ảnh vua Gia Long tại Thế miếu (Kinh thành Huế).

   Triều Nguyễn ban hành nhiều sắc chỉ về văn miếu dinh, trấn 

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Gia Long. Chỉ trong vài năm đầu trị nước, vua Gia Long đã ban hành nhiều sắc chỉ, chỉ dụ xây dựng, trùng tu, định ra lệ cúng tế văn miếu tại Phú Xuân (tức kinh đô Huế) và các vùng đất học trong cả nước.

Năm 1803, vua sắc chỉ, lệnh cho các dinh, trấn xây dựng văn miếu, đền Khải Thánh (Khải Thánh từ, Khải từ)(1); quy định lễ tiết tế tự, tiền cúng tế, quan coi giữ, tế lễ văn miếu. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng, “các dinh, trấn mỗi hạt 1 tòa văn miếu, hàng năm xuân thu 2 kỳ tế, dinh trấn chuẩn phát tiền công sắm đủ lễ phẩm đến tế”. Văn miếu dinh, trấn có 2 điển hiệu (tạp nhiệm, trông coi), 30 lễ sinh (lo cúng tế), 30 miếu phu (tạp dịch, khiêng kiệu).

Tháng 4/1808, triều đình quy định kiến trúc văn miếu dinh, trấn. Theo đó, văn miếu dinh, trấn có chính đường 3 gian 4 chái, tiền đường 5 gian 2 chái; phía hữu dựng đền Khải thánh 3 gian 2 chái. Tất cả ghi chép thành điển lệ để ban hành trong cả nước thực hiện.

Tháng 7/1808, triều đình ban lệnh xuống các dinh, trấn phải đặt thần vị tiên sư để thờ tại văn miếu, không thờ tượng. Trước đây, văn miếu ở Phú Xuân có thờ tượng Văn Tuyên vương (tức Khổng Tử). Vua Gia Long bàn với bộ Lễ, mỗi dịp cúng tế, nhìn thấy thần tượng là khinh thường, không thể hiện sự tôn trọng với bậc thánh nhân, nên đổi cách thờ tự cho phù hợp. Bộ Lễ làm bài vị đề tên “Chí thánh tiên sư Khổng Tử” để thờ tự và ban bố trong cả nước làm theo. Nơi nào trước đây có thờ thần tượng thì chọn chỗ đất sạch chôn cất.

Thực hiện sắc lệnh, chỉ dụ của triều Nguyễn, các vùng đất học nổi tiếng trong cả nước đều xây dựng văn miếu, Khải từ. Chỉ riêng từ Phú Xuân trở vào phương Nam, theo thời gian, văn miếu được xây dựng ở các nơi như: Trấn Biên (1715), Bình Định (1802), Diên Khánh (1803), Quảng Ngãi (1817), Gia Định (1824), Quảng Nam (1840), Cao Lãnh (1857), Vĩnh Long (1864), Tuy Hòa (1877)…

 Văn miếu Bình Thuận qua thư tịch cổ 

Khảo cứu một vài bộ địa chí, thông sử, địa bạ triều Nguyễn như: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Hoàng Việt chí), Đại Nam nhất thống chí (Đại Nam chí), Đồng Khánh địa dư chí (Đồng Khánh chí), Đại Nam thực lục (Thực lục), Địa bạ triều Nguyễn (Địa bạ) nhận thấy, Bình Thuận là một trong những dinh, trấn sớm xây dựng văn miếu. 

Văn miếu, Khải từ Bình Thuận trên Đồng Khánh địa dư chí, huyện Hòa Đa.

Năm 1806, Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong Hoàng Việt chí dâng lên vua Gia Long. Hoàng Việt chí, phần dinh Bình Thuận chép, “…con đường nhỏ men theo hướng Tây nam đi 192 tầm     (, đơn vị đo chiều dài ngày xưa, 1 tầm bằng 8 thước, tương đương gần 2 m - TG) thì đến địa phận thôn Bình Thủy, ở đó có văn miếu”. Qua đoạn trích trên, dù chưa rõ ràng nhưng có thể suy luận được, Văn miếu Bình Thuận được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1803 (vua Gia Long ban lệnh xây dựng văn miếu trong cả nước) đến trước năm 1806 (biên soạn xong Hoàng Việt chí).

Năm 1825, Văn miếu Bình Thuận được sửa chữa. Thực lục chép: “…năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), mùa xuân, tháng 3, sửa Văn miếu Bình Thuận. Bình Thuận mất mùa đói kém, sai Trấn thần nhân việc (sửa văn miếu - TG) thuê để giúp dân kiếm ăn”.

Năm 1826, Văn miếu Bình Thuận được xây dựng. Đại Nam chí, quyển XII, tỉnh Bình Thuận chép, “Văn miếu ở phía Tây tỉnh thành, địa phận 2 thôn Bình Thủy và Lạc Sơn, dựng năm Minh Mệnh thứ 7 (tức năm Bính Tuất 1826 - TG)”.

Năm 1836, theo Địa bạ, phần tỉnh Bình Thuận, huyện Hòa Đa, tổng Vĩnh An chép, “Bình Thủy Lạc Sơn thôn, Đông giáp địa phận thôn Hòa Bình, Tây giáp địa phận xã Thanh Hiếu, Nam giáp động cát trắng, Bắc giáp địa phận thôn Bình Thủy”. Thôn Bình Thủy Lạc Sơn có diện tích 25 mẫu 4 sào 8 thước 3 tấc, trong đó, diện tích đất miếu Văn Thánh là 2 mẫu 1 sào 2 thước. 

Thời vua Đồng Khánh, trong Đồng Khánh chí, phần khảo tả đền miếu tỉnh Bình Thuận có chép, “Văn miếu, Khải từ tại địa phận thôn Lạc Sơn, tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa”. 

Vài điều suy nghĩ

Từ một số sử liệu được trích dẫn trên, có vài suy nghĩ về thời gian xây dựng, nơi tọa lạc văn miếu, cũng như đền Khải thánh ở Bình Thuận.

Về thời gian xây dựng, Văn miếu Bình Thuận được xây khoảng từ năm 1803 đến trước năm 1806 (Hoàng Việt chí). Đến tháng 3/1825, sửa chữa (Thực lục) và  năm 1826, dựng văn miếu (Đại Nam chí).

Ở đây có 2 mốc sự kiện hơi khó hiểu, đó là “tháng 3/1825, sửa văn miếu” và “văn miếu dựng năm Minh Mệnh thứ 7 (1826)”, văn miếu mới sửa chữa năm 1825, qua năm 1826 lại dựng, xây dựng? Nếu theo từng câu, chữ trong Thực lục và Đại Nam chí thì có 3 giả thuyết. Một là, hai sự kiện chỉ là một, Thực lục hoặc Đại Nam chí chép nhầm năm (điều này khó xảy ra). Hai là, văn miếu sửa chữa từ tháng 3/1825 sang năm 1826 mới xong. Ba là, văn miếu sửa tháng 3/1825, nhưng vì lý do nào đó sử liệu không nói rõ, năm 1826 xây mới tại 2 thôn Bình Thủy và Lạc Sơn. Đại Nam chí chép là “dựng” (khác “dựng lại”, “sửa chữa”), nên giả thuyết phù hợp là văn miếu sửa chữa vào tháng 3/1825, nhưng vì lý do nào đó, sang năm 1826 dựng mới.

Về địa điểm văn miếu tọa lạc, có sự thay đổi theo thời gian: thôn Bình Thủy (năm 1806, Hoàng Việt chí); 2 thôn Bình Thủy và Lạc Sơn (năm 1826, Đại Nam chí); thôn Bình Thủy Lạc Sơn (năm 1836, Địa bạ); thôn Lạc Sơn (Đồng Khánh chí).

Hoàng Việt chí chép, nguyên văn: Bình Thủy thôn địa phận hữu Văn Thánh miếu      (平水村地分有文聖廟), nghĩa là địa phận thôn Bình Thủy có Văn Thánh miếu.

Theo thống kê Địa bạ, trong 35 thôn, xã thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa, có Bình Thủy thôn (平水村), Bình Thủy Lạc Sơn thôn (平水樂山村), nhưng không có thôn, xã nào tên Lạc Sơn.

Đồng Khánh chí chép, nguyên văn: Văn miếu, Khải từ tại Hòa Đa huyện, Vĩnh An tổng, Lạc Sơn thôn địa phận (文廟啓祠在禾多縣永安總樂山村地分), nghĩa là văn miếu, Khải từ tại địa phận thôn Lạc Sơn, tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa. Nhưng điều kỳ lạ là phần thống kê thôn, xã của Đồng Khánh chí, cũng chỉ có Bình Thủy thôn, Bình Thủy Lạc Sơn thôn, mà không có tên Lạc Sơn thôn (giống thống kê thôn, xã trong Địa bạ năm 1836).

Qua đối chiếu các tư liệu trên (nhất là thống kê điều tra Địa bạ), có thể thấy trước đây, tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa chỉ có thôn Bình Thủy và thôn Bình Thủy Lạc Sơn, mà không có thôn nào tên Lạc Sơn. Vậy tại sao Đại Nam chí chép “2 thôn Bình Thủy và Lạc Sơn”, Đồng Khánh chí chép “Lạc Sơn thôn”? Chúng tôi cho rằng Đại Nam chí (bản gốc chữ Hán) chép đúng là Bình Thủy Lạc Sơn thôn. Nhưng do người dịch sau này không rõ cụ thể địa danh tại địa phương, nên thêm thắt từ ngữ vào thành “2 thôn Bình Thủy và Lạc Sơn”. Rất tiếc không có điều kiện để tra cứu bản gốc để kiểm chứng. Đối với Đồng Khánh chí thì rõ ràng phần khảo tả mâu thuẫn với thống kê và khi đối chiếu thống kê Đồng Khánh chí với Địa bạ thì giống nhau. Điều đó càng hợp với giả thuyết tháng 3/1825, sửa chữa văn miếu tại thôn Bình Thủy, nhưng vì lý do nào đó, sang năm 1826, xây mới lại tại thôn Bình Thủy Lạc Sơn.

Đối với Khải từ, lúc đầu không xây cùng văn miếu(2) (Hoàng Việt chí, Thực lục, Đại Nam chí không chép Khải từ xây cùng Văn miếu Bình Thuận). Chỉ đến Đồng Khánh chí mới có ghi văn miếu, Khải từ thuộc địa phận thôn Lạc Sơn (đúng ra phải là Bình Thủy Lạc Sơn).

Sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, ký hiệp ước với triều Nguyễn, chuyển sang chế độ “bảo hộ”, tháng 7/1885, Pháp cử một viên công sứ đứng đầu bộ máy “bảo hộ” ở Bình Thuận. Năm 1898, Phan Thiết được chọn làm tỉnh lỵ, đặt tòa công sứ, cơ quan hành chính, dời tỉnh thành ở huyện Hòa Đa về làng Phú Tài, ven ngoại ô Phan Thiết. Văn miếu ở huyện Hòa Đa vẫn còn tồn tại đến trước năm 1945, gọi là Hội Văn Thánh miếu. Hàng năm các bậc nho giáo và dân chúng tổ chức tế tự dưới sự chủ lễ của Tuần vũ tỉnh Bình Thuận. Sau đó ngôi miếu bị bom đạn chiến tranh tàn phá, chỉ còn nền gạch, việc tế tự không còn nữa(3).

Hà Ngân

Bài 2: Trên thực địa và nguồn gốc một địa danh

 (1): Miếu thờ cha mẹ của Khổng Tử là Khải Thánh Công Thúc Lương Ngột và bà Nhan Thị Trưng Tại. Ngày lễ tế, người ta thường làm lễ ở Khải từ trước, sau đó làm lễ tế Khổng Tử.

(2): Do chưa nghiên cứu kỹ tư liệu, nên bài viết “Người Bình Thuận xưa được thờ ở Văn miếu Trấn Biên” có chi tiết chưa đúng: “Văn miếu Bình Thuận còn gọi là Văn miếu Khải Từ…”.

(3): Địa phương chí tỉnh Bình Thuận, 1971, trang 3.

Cập nhật ngày 11-10-2019
Xem tin theo ngày