Du xuân ngày tết

Du xuân ngày tết

BT- Du xuân ngày tết, hiểu một cách đơn giản nhất là đi chơi vào dịp xuân về. Du xuân để hái lộc đầu năm, đi lễ cha mẹ, lễ thầy, lễ cô, lễ chùa, trẩy hội xuân… Đây là những giá trị trong sáng, đáng quý nhất mà phong tục du xuân của dân tộc ta mang lại.

Phong tục đón tết của dân tộc ta, trải qua nhiều thế hệ, phần nào cũng đã giản lược bớt cho phù hợp với thời đại như tục khai bút, khai canh, khai công… nhưng vẫn còn nhiều phong tục hay mà dân tộc ta vẫn gìn giữ và phát huy, như tục du xuân hay còn gọi là xuất hành vào ngày đầu năm mới.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty vào mùng 2 tết. Ảnh: Đ. Hòa

Du xuân, xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để mong gặp may mắn cho mình và gia đình. Trước khi đi, người ta phải chọn ngày, giờ và các hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỷ thần… Thường thường, người ta theo các hướng tốt, đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết. Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, qua đó có thể đoán được năm mới may hay rủi.

Ngày tết, người lớn - trẻ con, ai cũng áo quần tươm tất, chỉnh tề khi xuất hành ra khỏi nhà. Tùy từng tín ngưỡng mà có người đi chùa, có người đi lễ nhà thờ nhưng chung quy tất cả đều với một mong muốn khấn nguyện cho gia đình được ấm no, hạnh phúc trong năm tới.

Du xuân còn là đi lễ tết cha mẹ, ông bà, thầy cô, những người đã có công lao giáo dục, dưỡng thành ta, thể hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo”. Những giá trị tinh thần quý báu này nếu không nhờ lệ du xuân đầu năm thì khó có thể kế tục, truyền tụng từ ngàn xưa đến nay không mai một. Những nét đẹp về đạo lý làm người này không phải dân tộc nào cũng có. Cái không khí khai xuân của ba ngày tết càng góp phần làm cho lòng người thêm thánh thiện trong sáng.

Trải dài từ Bắc vào Nam, nước ta có gần 8.000 lễ hội truyền thống và phần nhiều trong số này được tổ chức vào tháng giêng, tập trung chủ yếu ở miền Bắc như trẩy hội Chùa Hương, hội Làng Gióng, hội Lim… Ở miền Trung, miền Nam, cũng có lễ hội nhưng miền Bắc vẫn nhiều hơn hết. Tham gia những lễ hội này, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện, gạn đục khơi trong đời sống tinh thần của mỗi người. Và ngay như tại TP. Phan Thiết, lễ hội đua thuyền tổ chức vào mùng 2 tết hàng năm cũng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Du xuân còn là để tận hưởng khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời giao hòa, khiến mọi người cảm thấy gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn, lòng mình hướng thiện hơn, thầm cầu chúc cho nhau một năm mới nhiều bình an, hạnh phúc, thành công sẽ đến… Giữa bộn bề cuộc sống, nhiều khi chúng ta tưởng chừng những nét đẹp văn hóa đó sẽ bị phai nhạt, nhưng may mắn thay, những điều thiêng liêng trong sáng ấy vẫn còn được tiếp nối mãi mãi.

Nghi Lâm

Cập nhật ngày 29-01-2019
Xem tin theo ngày