Quy hoạch phát triển du lịch đảo
Quy hoạch phát triển du lịch đảo Phú Quý
Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai vừa ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát
triển khu du lịch đảo Phú Quý (huyện Phú Quý, Bình Thuận). Đến năm 2030, Phú Quý
sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch
biển, đảo độc đáo.
(Vĩnh Triều Dương - Phú Quý; Ảnh: Nguyên Vũ)
Quy hoạch phát triển
du lịch đảo Phú Quý đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả các thế
mạnh về tài nguyên sinh thái biển, yếu tố văn hóa và yếu tố con người miền biển
để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của huyện đảo. Phát triển khu du lịch
Phú Quý không chỉ thực hiện chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là
du lịch biển đảo và phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững, mà còn bảo đảm
quốc phòng, an ninh biển, đảo gắn với bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn
hóa, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ngọt trên đảo.
Về mục tiêu đón khách
đến tham quan, nghỉ dưỡng, đến năm năm 2025 Phú Quý đón khoảng 45.000 lượt khách
(khách quốc tế khoảng 3.000 lượt), tốc độ tăng trưởng khách giai đoạn 2021-2025
khoảng 13,40%/năm; năm 2030, đón 74.000 lượt khách (khách quốc tế khoảng 6.000
lượt), tốc độ tăng trưởng khách giai đoạn 2026-2030 khoảng 10,46%/năm; năm 2025,
doanh thu đạt 192 tỷ đồng/năm, năm 2030 đạt 380 tỷ đồng/năm. Để tiếp đón lượng
du khách đến tăng trưởng hàng năm trên 10%, Phú Quý sẽ đầu tư nâng cấp các cơ sở
lưu trú với 215 buồng đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch, đến năm 2025 có 340 buồng
và đến năm 2030 có 684 buồng đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch.
Cùng với đầu tư cơ cở
hạ tầng và khai thác tiềm năng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch
đảo Phú Quý còn hướng đến mở rộng khai thác các thị trường khách du lịch truyền
thống hiện nay của Bình Thuận, đặc biệt chú trọng đến các thị trường truyền
thống của Khu du lịch quốc gia Mũi Né như Đông Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN,
Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, giai đoạn sau năm 2025 sẽ tiếp cận các thị trường mới
như Nhật Bản, châu Đại dương, Ấn Độ và Trung Đông. Đối với khách nội địa, Phú
Quý sẽ tập trung và phân khúc khách có mức thu nhập khá trở lên từ các đô thị
với khách du lịch nghỉ dưỡng, tham quan và văn hóa tâm linh, sau 2025 tiếp tục
mở rộng thị trường và ưu tiên phát triển phân khúc khách cao cấp.
Trong tương lai gần,
đảo Phú Quý sẽ hướng đến sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển, phát
triển thành những khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, đa dạng các loại hình lưu trú
khác kết hợp với thể thao biển như khu vực biển xã Tam Thanh và xã Ngũ Phụng.
Phú Quý cũng sẽ mở rộng loại hình du lịch sinh thái trong khu bảo tồn thiên
nhiên với các sản phẩm như lặn ngắm các hệ sinh thái biển, quan sát các hệ sinh
thái biển bằng thuyền đáy kính, cắm trại dã ngoại tham quan khu bảo tồn biển,
xây dựng các khu trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên rừng. Bên cạnh đó,
sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả lọai hình du lịch tham quan kết hợp với trải
nghiệm làng nghề, thưởng ngoạn các điểm tham quan như Phong Điện Phú Quý, bãi
Lạch Dù, các bãi san hô, các loại hải sản độc đáo Ngoài ra, du lịch văn hóa cũng
là sản phẩm hấp dẫn của Phú Quý như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải
nghiệm lễ hội truyền thống, tìm hiểu văn hóa đời sống địa phương.
(Ảnh: Nguyên Vũ)
Không gian phát triển khu du lịch được xác định tại khu vực đảo Phú Quý kết nối
với các đảo nhỏ lân cận như Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng, Hòn Giữa, Hòn Đỏ, Hòn
Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ, Hòn Đá Tý với diện tích khoảng 1.791 ha, bao gồm
khu du lịch sinh thái và bảo tồn tài nguyên đả; khu trung tâm dịch vụ, vui chơi
giải trí, trung tâm nghiên cứu khoa học; khu du lịch tổng hợp Tam Thanh với khu
nghỉ dưỡng, resort cao cấp, khu dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, khu dân
cư kết hợp dịch vụ du lịch; khu nghỉ dưỡng biển tổng hợp Ngũ Phụng. Bên cạnh các
tuyến du lịch nội huyện như Mộ Thầy - Đền thờ công chúa Bàn Tranh - Chùa Linh
Sơn - Chùa Linh Quang. - Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn sinh thái Phú Quý - Vạn
An Thạnh, không gian khu du lịch Phú Quý còn kết nối với các tuyến du lịch liên
tỉnh, liên vùng như: Phan Thiết - Phú Quý, Vũng Tàu - Phú Quý, Phan Thiết - Phú
Quý. - Cam Ranh.
Để phát triển Phú Quý
thành một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh cũng như khu vực Duyên hải Nam Trung
bộ, Bình Thuận sẽ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp như: chính sách ưu
đãi, quản lý quy hoạch, đầu tư và thu hút vốn đầu tư, quảng bá xúc tiến, xây
dựng thương hiệu và bộ công cụ nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
chứng nhận “Du lịch Phú Quý”, chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, thị
trường, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, danh lam thắng cảnh, các lễ
hội dân gian, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch biển đảo
gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nguyên Vũ (theo
dulichbinhthuan.com.vn)