New Page 1

“Nút thắt” du lịch ở Kê Gà - Hòn Lan

BT- Theo nhận xét của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, khoảng 10 năm qua các dự án tại khu vực Kê Gà - Hòn Lan (thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam) không thể triển khai được vì bất cập của quy hoạch. Hiệp hội dẫn chứng, trước năm 2007 nơi đây chỉ có quy hoạch tuyến điểm du lịch của ngành du lịch, chưa có quy hoạch xây dựng chung. Điều này khiến cho các dự án khu du lịch cao cấp tại khu vực Kê Gà - Hòn Lan không thể triển khai thiết kế chi tiết được vì không xác định được nền và hướng thoát nước. Còn giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017, dù có quy hoạch xây dựng chung nhưng lại được định hướng nhằm phục vụ công nghiệp bau-xit. Thế nên toàn bộ khu vực Kê Gà - Hòn Lan chủ yếu được bố trí các hạng mục: cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu công nghiệp phụ trợ, kho bãi, hệ thống đường sắt, tổng ga đường sắt…

Một đoạn bờ biển khu vực Kê Gà - Hòn Lan (Hàm Thuận Nam).

 Kiểu quy hoạch nêu trên hoàn toàn không thích hợp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp, vì vậy buộc chủ đầu tư lập lại thiết kế gần như mới toàn bộ cho dự án do phải thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu, rồi điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thêm nữa là thỏa thuận lại từ đầu với cổ đông và các đối tác về việc huy động vốn đầu tư… Đến đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng, tỷ lệ 1/5000, khu vực ven biển Tân Thành. Tuy nhiên Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết quy hoạch mới lại cập nhật, bổ sung thêm bờ kè bảo vệ bờ biển với cao độ thiết kế đỉnh kè là +4,3 m, trên mặt bờ kè sẽ được tận dụng thành đường đi dạo dọc bờ biển rộng 10 m, cao độ thiết kế +3,0 m.

Trên thực tế cao độ hiện trạng ở khu vực này chỉ là +2,0 m, như vậy nếu hình hành thì bờ kè và đường đi dạo dọc bờ biển sẽ như một bức tường che hết tầm nhìn ra biển. Ngoài ra có thể cản trở nghiêm trọng việc đi lại của du khách từ khu du lịch ra bãi biển, đồng thời những dự định tận dụng bãi cát, mặt biển để kinh doanh như kế hoạch ban đầu sẽ không thể thực hiện được nữa. Trong khi đó việc thoát nước của các dự án cũng phải thay đổi, ngược hướng hoàn toàn so với phương án ban đầu, rồi còn san lấp cao thêm khoảng 1 m nên chắc chắn làm phát sinh chi phí rất lớn…

Trước tình hình đó, trường hợp dự án đã đầu tư xây dựng và đi vào kinh doanh (Khu du kịch Princess D’Annam) cũng như chưa triển khai đầu tư xây dựng (khoảng 30 dự án) đều rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi nếu điều chỉnh theo quy hoạch mới thì có lẽ dự án đã hoàn thành phải đập bỏ hầu hết các hạng mục, còn với các dự án chưa triển khai buộc thiết lập lại phương án kinh doanh gần như từ đầu… Để gỡ “nút thắt” du lịch ở khu vực Kê Gà - Hòn Lan, vừa qua Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét một số vấn đề. Theo đó, giải pháp khắc phục bất cập về quy hoạch Khu đô thị du lịch Tân Thành là phải có chiến lược tầm nhìn và có tính thực tiễn cao, cần thiết thuê tư vấn thiết kế quốc tế lập quy hoạch 1/2000 (thay vì quy hoạch xây dựng chung, tỷ lệ 1/5000 như hiện nay)… Mặt khác sớm xúc tiến tổ chức trao đổi, đối thoại với chủ đầu tư dự án cùng các bên liên quan, qua đó thống nhất giải pháp tối ưu để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn xuất phát từ bất cập của quy hoạch.

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 16-01-2018
Xem tin theo ngày