Nhớ vị măng ngày tết
Nhớ vị măng ngày tết
BT- Mùa này, lên
những xã vùng cao Hàm Thuận Bắc gió không hung hãn thổi triền miên như Phan
Thiết, mà những làn gió chướng hiền hòa phả cái lạnh núi rừng vào da thịt. Sớm
mai nắng lên muộn. Một màu vàng hoe, dìu dịu nắng hòa cùng màu vàng của măng le
được người dân các xã La Dạ, Đa Mi phơi dọc hai bên đường để bán tết.
|
Chị Gái phơi măng bán tết. |
Trữ măng
Chị Nguyễn Thị Gái - thôn 3, xã La
Dạ chuẩn bị măng, lo cho tết chừng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Khi ấy mưa
giông đầu mùa thấm đất thì những lùm le mọc hoang trong rừng bắt đầu cho măng.
Từ xã La Dạ lên Đa Mi đồng bào K’ho, Răglai lại tranh thủ vai mang gùi, cơm gói
ở lại trên rừng để có những gùi măng le nấu ăn và bán cho các điểm thu mua như
chị Gái. Trên thực tế có nhiều loại măng như tre, lồ ô, trúc, nứa, nhưng măng le
là loại mà người ta thích ăn nhất. Bởi măng đặc ruột, dễ chế biến, vị hơi ngọt
bùi, có mùi thơm đặc trưng, không chát, không quá đắng. Chị Gái đã 20 năm gắn bó
với nghề măng - một thứ lộc của núi rừng. Chị vừa hái măng vừa thu mua để chế
biến thành măng khô trữ bán tết kiếm thu nhập.
Dù đang trưa nắng nhưng chị Gái vẫn
lục đục bên cái lò đất nóng hôi hổi để xếp từng miếng măng đã được ép khoảng 3
ngày trước đấy để phơi khô. Chị Gái nói, 20 năm rồi kể từ ngày đang thì con gái,
chị đã học được nghề làm măng khô thủ công của mẹ và gắn bó với nghề đến giờ.
Nghề rất cực nhọc, vất vả, có điều nguồn nguyên liệu trên địa bàn dồi dào, thu
nhập khá nên cũng “tiếp sức” cho những người dân miền núi như chị có thêm động
lực phấn đấu. Theo chị Gái, các công đoạn làm măng khô đều thủ công, từ khâu chẻ
măng, đến khâu ép măng, phơi nắng… Để tạo ra sản phẩm măng le khô chất lượng,
thì sau khi lấy măng tươi từ rừng về, phải cắt bỏ những đoạn già, rồi luộc chín,
để nguội, sau đó dùng dao chẻ. Muốn có những lát măng khô đẹp thì trong quá
trình chẻ măng, không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày. Bởi nếu chẻ quá dày thì
măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng thì khi phơi dễ bị gãy nát. Sau khi chẻ
xong, xếp măng le vào những chiếc thùng ván đóng kín, rồi dùng những tảng đá to
giằng bên trên. Khoảng vài ngày sau đó, những miếng măng le đã khô ráo nước thì
mới phơi rồi trữ bán tết. Muốn có những mẻ măng le vàng óng thơm ngon, đòi hỏi
người thợ thủ công phải cần mẫn, đảo măng thật kỹ dưới nắng thì măng le sẽ thơm
ngon và để được lâu hơn.
Vị măng ngày xưa
Nói về măng le, bà con truyền nhau
câu ca dao: “Ai lên nhắn với nậu nguồn/Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”.
Măng le như một đặc sản ẩm thực người Việt từ vùng đất Tây nguyên đến các tỉnh
Nam Trung bộ và là thực phẩm không thể thiếu trong ngày tết để chế biến các món
măng kho thịt, măng hầm xương, vịt hầm măng, bún măng… Tuổi thơ tôi sinh ra và
lớn lên ở Tây nguyên, nên bây giờ còn nhớ như in những mùa măng và những bữa cơm
đạm bạc có các món từ măng le do bàn tay má nấu. Những búp măng cắt về còn tươi
cứng, sau đó má nhanh tay lột hết phần vỏ, để lại phần ruột trắng non tơ. Dùng
dao xắt từng khoanh tròn ở đầu búp rồi băm theo từng khoanh để bóc vỏ măng. Chỉ
trong chốc lát, những búp măng đã xắt thành từng khoanh nõn nà trắng ngần. Cho
rổ măng ngâm vào nước muối một lúc rồi luộc sơ bỏ nước, ngâm lại trong nước
trong. Măng luộc xong đem xào với các loại thịt, mà ngon hơn hết là thịt heo ba
chỉ. Khoái nhất là món măng cá ngừ, cá nhám kho măng đều có mùi vị thơm ngon mặn
mà, mang đến những bữa cơm ngon miệng. Măng le với người dân quê tôi là một
trong những món ăn mộc mạc, gần gũi góp phần nuôi lớn những người con quê. Để
giờ đây khi đi xa vẫn mãi nhớ về quê hương một thời kham khổ, với những kỷ niệm
đong đầy.
Dọc đường ĐT 714, mùi thơm của những
miếng măng le ép thẳng thớm ngả màu vàng óng được phơi ven đường khiến tôi cứ
thòm thèm cái vị đăng đắng, ngòn ngọt, cay cay, chua chua và sần sật của món gỏi
măng tươi… ngày xưa hay cái vị thơm phức của mùi móng giò heo hầm thoang thoảng
vị măng khô ngày tết.
Thanh Duyên