Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉn
Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Bình Thuận năm 2017
BTO- Hưởng ứng đề nghị của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam(VietKings) và với mục đích
quảng bá một cách sâu rộng cho từng điểm đến, từ đó thu hút du khách trong và
ngoài nước tới tham quan, du lịch, ngày 19/4/2017, Sở Khoa học và Công nghệ Bình
Thuận phối hợp với một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đề cử 14 điểm du
lịch đặc sắc, tiêu biểu nhất của tỉnh (Trường Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh,
Chi nhánh Bình Thuận; Dinh Vạn Thủy Tú; Tháp Po Sah Inư Suối Tiên; Đồi Cát Mũi
Né; Bãi biển Hòn Rơm – Mũi Né; Bàu Trắng; Hải đăng khe gà; Chùa Núi Tà Cú; Dinh
Th Thím; Cổ Thạch Tự (Chùa Hang); Bãi đá Cổ Thạch (Bãi đá nhiều màu); Cù Lao
Cau; Đảo Phú Quý)tham gia “Hành trình tìm kiếm và quảng bá các điểm du lịch hấp
dẫn tại 63 tỉnh, thành Việt Nam (2017)”.
Đây là các điểm du lịch được các du khách trong, ngoài nước đến tham quan, du
lịch nhiều lần đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp. Ngoài ra, các điểm du lịch nêu
trên còn mang giá trị lịch sử cao, có tính độc đáo, hấp dẫn, đặc trưng vùng miền
về văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc của Bình Thuận nói riêng và của Việt Nam nói
chung.
Sau thời gian bình chọn, ngày 31/10/2017 VietKings đã chính thức công bố “Top 10
điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Bình Thuận” trên các phương tiện truyền thông của Kỷ
lục Việt Nam (Cổng thông tin Kỷ lục Việt Nam: http://kyluc.vn; cổng thông tin
Top Việt Nam: http://topplus.vn). Top điểm đến này được công bố dựa trên quan
điểm, góc nhìn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Bình Thuận- Năm 2017:
1. Trường Dục Thanh – Phan Thiết
Ảnh sưu tầm
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm với trường Đông Kinh Nghĩa
Thục) với ý nghĩa của tên trường Dục Thanh là "Giáo dục thế hệ thanh thiếu niên
thức dậy ý thức dân tộc". Lúc bây giờ trường được xem là ngôi trường tiến bộ
vang danh khắp nơi.
Năm 1910, trên đường ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn
Tất Thành đã dừng chân và dạy học tại ngôi trường này. Hiện nay du khách đến
tham quan trường Dục Thanh sẽ thấy ngôi trường được phục chế từ nguyên bản của
ngôi trường cũ (03 dãy bàn ghế, một tấm bảng đen...) với Nhà Ngư, Ngọa Du Sào,
cây khế Bác Hồ, giếng nước và cảnh quan xung quanh được bố trí rất hài hòa làm
cho du khách có cảm giác hình ảnh của Bác vẫn đang ở nơi này. Khu di tích Dục
Thanh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm
1986.
2. Bàu Trắng – Bắc Bình
Ảnh sưu tầm
Nằm cách Phan Thiết khoảng 65km về hướng Đông Bắc, Bàu Trắng thuộc thôn Hồng
Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình là một điểm tham quan vô cùng độc đáo với 2 hồ
nước ngọt nằm ngay giữa những đồi cát trắng tinh trải dài ngút tầm mắt gọi là
Bàu Ông và Bàu Bà – cũng là những hồ nước ngọt gần biển duy nhất ở Việt Nam.
Bàu Ông thì nhỏ và dài còn Bàu Bà thì rộng, sâu. Bàu Bà còn được gọi là Bàu Sen
bởi sen ven hồ khi vào mùa nở hoa phủ kín cả 1 vùng hồ. Hệ sinh vật ở hồ khá
phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt. Phía bắc Bàu Sen có khu rừng dương mát
rượi. Nước ở Bàu Trắng ngọt mát quanh năm, làm dịu đi không khí nóng bỏng của
đồi cát mênh mông. Tại đây có nhiều dịch vụ cho du khách lựa chọn như:
lái môtô địa hình vượt đồi cát, cưỡi đà điểu, đi thuyền dạo quanh
hồ…
Bên cạnh đó, cái tên Bàu Trắng cũng gắn liền với cung đường Hòa Thắng – Hòa Phú,
cung đường biển được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam với những cồn cát trắng phau
nối đuôi nhau trải dài dọc 2 bên đường đi hòa quyện với nền xanh của biển và
trời khiến con người ta cảm thấy nhẹ nhõm, thanh bình.
3. Suối Tiên – Phan Thiết
Ảnh sưu tầm
Nằm cách Tp. Phan Thiết khoảng 18 km về hướng Đông Bắc, Suối Tiên có chiều dài
khoảng 2 km, từ đường Võ Nguyên Giáp cắt ngang động cát ra đường Nguyễn Đình
Chiểu, chảy qua địa bàn phường Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp. Chính nguồn nước
mạch nhỉ tuôn trào từ những đồi, động cát tạo nên những dòng suối
nhỏ hiền hoà uốn lượn nhịp nhàng nép mình quanh những nhũ đất sét
pha cát bào mòn theo thời gian và các màu sắc đỏ, nâu, vàng, trắng,
mang nhiều hình dáng lạ mắt. Bên cạnh đó những rặng dừa và những trảng
cỏ xanh rì xen giữa màu của cát tạo nên vẻ đẹp độc đáo thu hút du
khách gần xa.
4. Chùa Núi Tà Cú – Hàm Thuận Nam
Ảnh sưu tầm
Di tích danh lam thắng cảnh Chùa Núi còn được nhân dân địa phương gọi là Chùa
Núi Tà Cú, gồm hai ngôi chùa có tên gọi khác nhau: chùa Linh Sơn Trường Thọ do
vua Tự Đức ban phong khoảng năm 1880 (còn gọi là Chùa Tổ hay Chùa trên) và chùa
Linh Sơn Long Đoàn (Chùa dưới). Chùa Núi tọa lạc trên sườn phía Nam núi Tà Cú, ở
độ cao khoảng 475m so với mặt nước biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách trung
tâm thành phố Phan Thiết khoảng 30km về hướng Đông Nam. Chùa có pho tượng Phật
nằm khổng lồ "Thích Ca Nhập Niết Bàn" dài 49 m, cao 7 m.
Di tích Chùa Núi Tà Cú được bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử
cấp Quốc Gia ngày 11/9/1993. Hàng năm, du khách đi lễ Phật tại Chùa Núi rất
đông, nhât là các ngày lễ, tết và đặc biệt là ngày Giỗ Tổ (Mùng 5 tháng 10 Âm
lịch).
5. Dinh Thầy Thím
Ảnh sưu tầm
Dinh Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu đất cát trắng,
thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Dinh được nhân dân địa phương
xây dựng để thờ Thầy và Thím – một cặp vợ chồng mà theo truyền thuyết tại địa
phương là những người hiền lành, đức độ, chữa bệnh cứu người nghèo.
Dinh được xây dựng vào ngày 25/12/1879, kiến trúc theo kiểu đình làng bào gồm:
Chính điện (nơi thờ bài vị và các bức hoành ca ngợi công đức của Thầy Thím), nhà
thờ Tiền hiền, Võ ca… Hàng năm Dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ lớn: lễ Tảo Mộ
(nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch) và lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14 đến ngày 16
tháng 9 Âm lịch).
Di tích Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử
Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/9/1997.
6. Đảo Phú Quý
Ảnh sưu tầm
Đảo Phú Quý (hay còn gọi là Cù Lao Thu) là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận,
gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều thắng cảnh đẹp: Hòn
Đen, Hòn trứng, Hòn Tranh, Hòn Khám, Hòn Bố… Nơi đây còn nổi tiếng về địa điểm
du lịch tâm linh: Đền thờ công chúa Bàn Tranh, Vạn An Thạch - nơi lưu giữ bộ
xương cá voi, chùa Linh Quang,...và ngọn hải đăng Núi Cấm. Đến đây du khách sẽ
được thưởng thức những món ngon dân dã gắn liền tên gọi của đảo như cua huỳnh
đế, cua trăng, cá mú... cùng nhiều hoạt dộng giải trí hấp dẫn của nơi này.
7.
Tháp PoSahInư
Ảnh sưu tầm
Nhóm đền tháp Chăm Posah Inư tọa lạc trên đồi “Lầu Ông Hoàng”, được người Chăm
xây dựng từ những cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ
thuật Hoà Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Vương quốc Chăm-pa.
Di tích này đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm
1991.
8. Hải đăng Khe Gà – Hàm Thuận Nam
Ảnh sưu tầm
Hải đăng Khe Gà hay còn gọi là Hải đăng Kê Gà nằm tại xã Thuận Quý, huyện Hàm
Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 km về phía Nam. Sở dĩ có tên gọi
này bởi ngọn hải đăng nằm trên một mũi đất nhô ra bờ biển khoảng 500m có hình
giống đầu con gà. Hải đăng Khe Gà được xây dựng từ năm 1897 đến 1899 hoàn thành,
do kiến trúc sư người Pháp Chnavat thiết kế. Được làm hoàn toàn bằng chất liệu
đá hoa cương với chiều cao 65m so với mực nước biển, Hải đăng Kê Gà được xem là
một trong những ngọn đèn biển cao và xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Trong tháp có 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép để lên đỉnh ngọn hải đăng, nơi có
một bóng đèn 2000W làm tín hiệu hướng dẫn cho tàu bè qua lại. Ban đêm, ánh đèn
chiếu sáng đến 22 hải lý. Ngày nay, Hải đăng không chỉ là một di tích kiến trúc
độc đáo mà nó còn kết hợp với hòn đảo Khe Gà tạo thành một danh thắng tuyệt đẹp
dành cho du khách đến tham quan.
Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực,
và đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và
cổ xưa nhất Việt Nam.
9. Bãi đá Cổ Thạch (Bãi đá nhiều màu) – Tuy Phong
Biển Cổ Thạch hấp dẫn du khách không những bởi làn nước trong xanh với lượng
sóng vừa phải mà còn vì bãi đá lung linh đủ màu sắc nâu, vàng, tím, xanh lam,
trắng với nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau do sự tác động của thủy
triều, hải lưu, sóng biển mà được đẩy từ lòng biển trồi nhô lên bờ. Bãi đá Cổ
Thạch được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Bãi đá có nhiều hình
dạng, màu sắc nhất Việt Nam.
Ảnh sưu tầm
10. Cù Lao Câu – Tuy Phong
Ảnh sưu tầm
Đảo Cù Lao Cau hay còn gọi là Hòn Cau thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh
Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km về hướng Đông Bắc. Đảo thuộc
Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nổi lên giữa biển khơi như một chiến hạm đá khổng lồ
với chiều dài trên 1.500m, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất chỉ khoảng 7m so
với mặt nước biển. Toàn đảo bao quanh bởi những khối đá có hình thù độc đảo.
Nước biển nơi đây rất xanh và sạch, quanh đảo có nhiều loại hải sản sinh sống.
Đảo cách bờ khoảng 9 km và có thể đến từ nhiều điểm như xã Phước Thể, xã Vĩnh
Hảo, xã Bình Thạnh hoặc Cà Ná (Ninh Thuận).
QU.THỊNH