Văn hóa đón xuân ở Phú Quý
Văn hóa đón xuân ở Phú Quý
BT- Phong tục ngày Tết Nguyên đán của người Việt Nam ở mỗi nơi – mỗi vùng miền
có những nét đặc trưng riêng biệt, để lại dấu ấn không thể nào phai từ tuổi ấu
thơ cho đến lúc trưởng thành. Đặc biệt, dấu ấn ấy có sức lay động mạnh mẽ trong
lòng với những người xa quê khi xuân về, tết đến.
|
Chùa Linh Sơn ở núi Cao Cát, Long Hải, Phú
Quý. Ảnh: Internet |
Tôi có tìm hiểu một số sinh hoạt của cư dân vùng miền trong ngày tết, phát hiện
ra ngày tết ở Phú Quý có nét sinh hoạt khá đặc biệt, hình như chưa thấy nơi nào
trên đất nước Việt Nam như thế.
Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh, cách thành phố Phan Thiết 120 km về hướng
Đông. Cư dân trên đảo xuất hiện rất sớm, họ có mặt từ thời đồ đá, để lại nhiều
giai thoại, sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển.
Trải qua những chuyển biến lịch sử, dân di cư từ đất liền đến Phú Quý ngày một
đông, có nhiều tộc người và nhiều luồng khác nhau, về sau, chủ yếu là người Kinh
ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Họ đã kiến tạo nên những di tích văn hóa, đền
chùa miếu mạo, tạo nên một vùng văn hóa tâm linh cho xứ sở.
Thời kỳ xa xưa, phương tiện giao thông từ đất liền ra đảo khó khăn, sinh hoạt
giao tiếp của cư dân trên đảo với đất liền rất hạn chế; tập quán, văn hóa của họ
họ là những gì thuộc gốc gác ở quê nhà mang theo, đến đây họ tiếp tục duy trì,
kế thừa từ đời này sang đời khác, rồi chung sống với nhau, tạo khối đoàn kết nơi
đầu sóng ngọn gió. Từ đó hình thành và phát triển nét phong tục, tập quán, văn
hóa khá đặc biệt. Trong đó, có sinh hoạt của những ngày tết.
Dĩ nhiên, xuân về là mùa của thiên nhiên nẩy lộc đơm hoa, nên nhà nhà đón tết
đều chưng hoa như mọi miền đất nước, nhưng có một điều là ở nơi bàn thờ, dù
chưng bày đơn sơ hay thịnh soạn, thế nào cũng phải có một loại hoa không thể
thiếu, đó là hoa vạn thọ. Khi hỏi người lớn tuổi về việc thờ cúng loại hoa này,
họ cho rằng đảo là vùng đất thích hợp và rất thịnh để trồng trọt canh tác hoa
ấy, với lại nó mang tên vạn thọ, ẩn chưa cái gì đó của sự tốt đẹp bền lâu.
Nhưng điều chúng tôi muốn nói nét khác biệt hết sức độc đáo ở đây là sinh hoạt
giao lưu trong ba ngày tết của người dân đảo.
Hiện nay, ở huyện Phú Quý có 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Sáng sớm
mùng 1 tết, đa số người dân nơi đây tập trung đi lễ ở chùa Linh Sơn trên núi Cao
Cát thuộc xã Long Hải để cầu phúc lộc, cầu an… Sau đó về lại xóm làng đi thăm,
chúc tết.
Cách đi thăm, chúc tết của người dân đảo đặc biệt ở chỗ: Trong ngày mùng 1, mọi
gia đình xã Long Hải phải ở nhà, không đi đâu, mở cửa sẵn sàng để tiếp đón những
người ở 2 xã Ngũ Phụng và Tam Thanh đến thăm mừng xuân, chúc tết (thăm bà con
thân thuộc, thăm bạn bè quen biết…) rồi vui chơi ở đấy. Đến ngày mùng 2, mọi gia
đình xã Ngũ Phụng phải ở nhà để mở cửa tiếp đón bà con, bạn bè ở xã Long Hải và
Tam Thanh. Đến ngày mùng 3 thì xã Tam Thanh làm nhiệm vụ tiếp đón xã Long Hải và
Ngũ Phụng. Trong sự viếng thăm, gặp gỡ, họ có thời gian hàn huyên tâm sự, hiểu
biết thêm về cuộc sống của nhau để cùng nhau chia sẻ. Qua ngày mùng 4 trở đi thì
mọi người sinh hoạt tự do.
Sự quan tâm, gắn kết, giao lưu trong 3 ngày tết của người dân Phú Quý thể hiện
nét đẹp cả chiều sâu và chiều rộng của một vùng văn hóa nơi hải đảo xa xôi, như
một sợi dây vô hình gắn kết tình làng nghĩa xóm. Mong rằng nét đẹp sinh hoạt này
luôn được duy trì và phát triển, đừng để mất đi.
Võ Nguyên