Phát triển ngành nghề nông thôn
Phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ du lịch
BT- Ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch ở Bình Thuận luôn được quan tâm nâng
cao chất lượng, thì sản phẩm được làm ra từ các ngành nghề nông thôn cũng có
đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương
trình phát triển sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) phục vụ
du lịch Bình Thuận từ năm 2012. Triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực phụ trách, Sở
Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chú trọng đề ra các giải pháp phù hợp điều
kiện của tỉnh nhằm định hướng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm CN - TTCN
đem lại hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương bám sát tình hình
thực tế, tiến tới thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình
Thuận đến năm 2020…
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện trên địa
bàn Bình Thuận có gần 12.300 cơ sở thuộc ngành nghề nông thôn đang hoạt động,
thu hút hơn 34.000 lao động tham gia. Chủ yếu tập trung ở một số nhóm ngành: chế
biến nông - lâm - thủy sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đan lát, cơ khí, sản xuất
hàng thủ công mỹ nghệ, cây trồng và sinh vật cảnh… Thời gian qua, các ngành nghề
nông thôn tại địa phương đi vào hoạt động tương đối ổn định, đạt năng suất nhờ
có đủ nguồn nguyên liệu và sức tiêu thụ khá từ du lịch. Điển hình như ở TP. Phan
Thiết, các hộ kinh doanh cá thể tập trung sản xuất đa dạng sản phẩm ăn liền có
nguồn gốc từ địa phương: cá tẩm gia vị các loại, mực khô tẩm, mắm nêm, bánh rế,
cốm sấy… Còn tại các địa bàn Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc thì thu hút
nhiều hộ gia đình tham gia sơ chế - chế biến hạt điều, bánh bún, xay xát, sản
xuất nước đá, nước uống… Bên cạnh đó, ngành nghề thủ công mỹ nghệ cũng tận dụng
nguồn nguyên liệu tại chỗ để tạo các sản phẩm bàn ghế từ gốc gỗ, đan lát sản
phẩm mỹ nghệ bằng lục bình, bẹ chuối, lá buông.
Theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến nay có 6 làng nghề
nông thôn được UBND tỉnh công nhận, gồm: 2 làng nghề chế biến nông sản thực
phẩm, 2 làng nghề dệt thổ cẩm, 1 làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ và 1
làng nghề gốm gọ. Tuy nhiên, hiện tại 2 làng nghề dệt thổ cẩm (Phan Thanh - Bắc
Bình và La Dạ - Hàm Thuận Bắc) đã ngưng hoạt động do không có thị trường tiêu
thụ, còn làng nghề gốm gọ Bình Đức ở Bắc Bình cũng đang gặp khó khăn về đầu ra
cho sản phẩm. Riêng 2 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (bánh tráng Phú Long
- Hàm Thuận Bắc và bánh tráng Chợ Lầu - Bắc Bình) vẫn duy trì hoạt động ổn định
nhờ sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Với làng nghề đan lát hàng thủ công
mỹ nghệ (mây tre đan xã Đông Hà - Đức Linh) vẫn chủ yếu gia công sản phẩm cho
các công ty tại TP. Hồ Chí Minh…
Du lịch Bình Thuận trong những năm tới được xác định phát triển theo hướng bền
vững với sự chuyển biến mạnh mẽ về sản phẩm, dịch vụ ngày càng phong phú và chất
lượng cao. Để đạt mục tiêu này thì vấn đề phát triển ngành nghề nông thôn để tạo
ra đa dạng sản phẩm CN - TTCN, sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương cần có
giải pháp thực hiện phù hợp tình hình, xu thế hiện nay. Song trước hết, việc hỗ
trợ cho các ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ
nghệ, quà tặng phục vụ du lịch, đào tạo nâng cao tay nghề lao động phải được
quan tâm đúng mực. Ngoài ra, ngành du lịch Bình Thuận cũng chú trọng đẩy mạnh
quảng bá, khuyến khích các hãng lữ hành trong lẫn ngoài tỉnh thường xuyên tổ
chức tour đưa khách tham quan làng nghề, góp phần gìn giữ và phát triển ngành
nghề truyền thống của địa phương.
Đ.QUỐC