Đi tìm sản phẩm lưu niệm đặc trư

Đi tìm sản phẩm lưu niệm đặc trưng

BT- Bình Thuận là tỉnh Cực nam Trung bộ trải dài trên 192 km bờ biển với nhiều cảnh quan đẹp, nơi đây đã thu hút 37 dân tộc anh em cùng sinh sống hình thành nên những phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, lễ hội, nét di tích văn hóa, lịch sử. Nền văn hóa đa dạng của vùng đất này đã được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến gần hai thập niên qua. Để góp phần quảng bá du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng, đề tài “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Thuận phục vụ du lịch” đã được TS. Phạm Thị Minh Hạnh - Trường Cao đẳng Cộng đồng dày công thực hiện.

TS. Phạm Thị Minh Hạnh giới thiệu mẫu sản phẩm
Phó Giáo sư, TS Nguyễn Tri Nguyên góp ý cho sản phẩm

Đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm

Theo TS. Phạm Thị Minh Hạnh, 14 nhóm sản phẩm lưu niệm Bình Thuận lâu nay chủ yếu được chế tác từ nguyên liệu vải sợi, thổ cẩm, giả da, thuộc da, cát, giấy, nhựa (mica, PVC, EVA), gỗ, mây tre lá, đất sét, thạch cao, đá, ngọc trai - kim hoàn, vỏ sò ốc, tiêu bản động vật. Trong đó, đáng chú ý 5 loại sản phẩm có nguyên liệu gỗ bóng loáng, bền, đẹp nêu bật biểu trưng vùng đất Cực nam Trung bộ. Đó là kiểu dáng đèn gỗ tháp nước Phan Thiết ghép bằng nhiều mảnh gỗ khác nhau kích cỡ: 15 cm x 15 cm x 43 cm, thể hiện kiến trúc độc đáo tháp nước 3D, bên trong tháp gắn đèn LED hiện rõ những hoa văn đặc biệt cùng những dòng chữ khắc xung quanh. Cùng với bức tranh thanh mảnh phù điêu tháp (10 cm x 33 cm), tranh cắt gỗ tháp nước (13 cm x 23 cm) đều toát lên ấn tượng sâu sắc về công trình kiến trúc tiêu biểu của Bình Thuận gần một thế kỷ nay. Bên cạnh là móc khóa gỗ ghi lại hình ảnh giăng lưới của ngư dân xứ Phan, đèn trang trí gỗ dừa hình chú trâu thân thuộc với nông dân… Cùng đó, 10 sản phẩm dùng nguyên liệu vải, như 3 kiểu hộp vải hình (lục giác, vuông, tròn) làm bằng bìa cứng thổ cẩm người Chăm, trang trí thắng cảnh nổi tiếng Bình Thuận bên trên. Hay như tranh (thêu vải, hoa Chămpa, thuyền và biển), túi xách vải, nghệ thuật trang trí Chămpa. Dòng sản phẩm nguyên liệu bằng giấy có: thiệp Pop-up tháp nước, tháp nước Phan Thiết giấy 3D, tranh (Quilling tháp Chăm Po Sah Inư, đồi cát Mũi Né, thuyền và biển). Còn dùng chất liệu nhựa hoặc các chất dẻo tương đương có 5 sản phẩm: gương soi bỏ túi in hình thắng cảnh Bình Thuận, móc khóa (thuyền rồng, cá ngựa), tranh nhựa EVA đồi cát Mũi Né… Sản phẩm dùng vật liệu không nung khá đa dạng với 9 loại: nổi bật là bức phù điêu xinh đẹp vũ điệu Chămpa mang kích thước 18,5 cm x 25,5 cm làm bằng chất liệu đá, toát lên vẻ tinh khiết, quyến rũ. Một số vật dụng chặn giấy kiểu dáng khá bắt mắt (tháp Chăm Po Sah Inư, tháp nước Phan Thiết, cây và quả thanh long, cá Ông dinh Vạn Thủy Tú, cá chép hóa rồng, thần Shiva). Cạnh đó, nguyên liệu thủy tinh cũng có các loại đèn trang trí hình (tháp nước, phong cảnh 3D), lọ nước hình cây và quả thanh long. Cuối cùng dòng sản phẩm nguyên liệu kim loại cũng khá ấn tượng với tranh nhôm (vũ điệu Chămpa, tháp Po Sah Inư, đồi cát Mũi Né, thuyền và biển, thả lưới)…

Lựa chọn sản phẩm đặc trưng

Phó Giáo sư, TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc thử nghiệm chế tác 45 sản phẩm ban đầu tìm hiểu thị hiếu khách hàng, cho thấy đề tài khoa học ứng dụng trên đã thể hiện tốt về nghiên cứu lý thuyết, thị trường, xác định các dòng sản phẩm, loại sản phẩm lưu niệm đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch; xây dựng quy trình công nghệ chế tác các vật lưu niệm… Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên lưu ý, khi triển khai tỉnh ưu tiên lựa chọn 2 sản phẩm nổi bật tiêu biểu trong số ấy để quảng bá, giới thiệu, như tháp nước Phan Thiết (qua mẫu đèn gỗ 3D). Bởi tháp nước là công trình kiến trúc dân dụng, nhân đạo, cấp nước sạch, nước là thủy mang điềm lành, hình dáng thiết kế theo kiểu trụ biểu truyền thống, kỳ đài (gần giống cột cờ Hà Nội), gợi nhớ Lin-ga, dương tính mạnh mẽ, thể hiện khát vọng vươn lên của Bình Thuận. Còn gương soi nhựa có hình cồn cát vàng Mũi Né in dấu thiên nhiên soi bóng vào ký ức du khách. Hai sản phẩm cần phải đạt nét thẩm mỹ, sử dụng chất liệu gọn nhẹ, gần gũi với người tiêu dùng để bắt mắt khách du lịch khi mua hàng lưu niệm ở các khu du lịch Bình Thuận. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chế tác khác như tranh phù điêu vũ điệu Chămpa đưa lên mạng bước đầu khách hàng ưa chuộng cần được nhân rộng. Được biết, đề tài ứng dụng trên của TS. Phạm Thị Minh Hạnh vừa được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu đạt loại khá. Đây là cơ sở để triển khai ứng dụng, quảng bá sản phẩm đặc trưng địa phương đến với du khách trong, ngoài nước.

Các loại sản phẩm lưu niệm

Thái Khoa

Cập nhật ngày 22-04-2015
Xem tin theo ngày