Phát triển du lịch trong thời kỳ

Phát triển du lịch trong thời kỳ mới

BT- Cuối năm qua, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị quyết 92 (ngày 8/12/2014) và Quyết định 2350 (ngày 24/12/2014) liên quan đến phát triển du lịch trong thời gian tới. Đây được xem là những văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ngành “công nghiệp không khói” nước nhà, trong đó có Bình Thuận định hướng nâng cao tính cạnh tranh, tạo bước phát triển đột phá…

Thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung khai thác thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo

Ngay sau đó vào cuối tháng 1/2015, Bình Thuận đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đến tham dự tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, văn kiện này thực sự là dấu ấn của ngành, vì kể từ năm 1992 đến nay mới có một nghị quyết chuyên đề về du lịch của Chính phủ… Còn theo ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận thì nghị quyết đã nhấn mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ ngành, địa phương và huy động nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch với 5 nhóm giải pháp chính. Bao gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch…

Cũng theo Nghị quyết 92 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành thì các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm du lịch tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật, ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch… Đồng thời Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương mở rộng thị trường quốc tế, giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Cần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn. Thêm nữa là có chính sách phù hợp khuyến khích thị trường du lịch nội địa phát triển, phát động và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”.

Những ngày qua, Bình Thuận còn đón nhận Quyết định 2350 của Chính phủ về Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” như một tin vui đầu năm. Bởi theo quan điểm phát triển của vùng sẽ lấy du lịch biển - đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế để khẳng định du lịch biển - đảo là thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam. Mục tiêu hướng tới là đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng. Qua đó sẽ góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam…

Ở khu vực này, Quyết định 2350 của Chính phủ xác định tiểu vùng du lịch phía Nam gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ phát triển theo hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng. Đó là nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn hóa Chăm Pa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn, lễ hội, tâm linh… Thời gian tới, vùng Duyên hải Nam Trung bộ cũng xúc tiến hình thành 4 đô thị du lịch là Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Thiết (Bình Thuận). Còn trong 9 khu du lịch quốc gia của vùng được tập trung đầu tư phát triển thì địa phương có khu du lịch Mũi Né, đối với 6 điểm du lịch quốc gia thì huyện đảo Phú Quý đã vào danh sách này.

Có thể nói Nghị quyết 92 và Quyết định 2350 của Chính phủ vừa ban hành đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng - Nhà nước đối với ngành du lịch trong thời kỳ mới. Riêng với Bình Thuận càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì du lịch hiện vẫn là ngành kinh tế thế mạnh, và nếu nhanh chóng cụ thể hóa bằng hành động sẽ còn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ…

ĐÌNH QUỐC

Cập nhật ngày 10-02-2015
Xem tin theo ngày