Người nước ngoài cảnh báo về ô n

Người nước ngoài cảnh báo về ô nhiễm môi trường ở Mũi Né

BT- Với nhiều người Bình Thuận, Mũi Né đã là niềm tự hào từ nhiều năm qua. Tuy nhiên có một câu hỏi đặt ra, có phải vì niềm tự hào đó mà đôi khi chúng ta ít chú ý đến những gì người ngoài nhận xét về Mũi Né?

 Có rất nhiều nhận xét về những cái đẹp và chưa đẹp của Mũi Né mà chúng tôi ghi nhận được, song trong bài báo này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến nhận xét John Everingham, một du khách, sau khi đã sống những ngày tại Mũi Né, đã ghi lại  sự ô nhiễm của nơi này trong bài viết có tên là: “Enough problems to look disastrous”(tạm dịch là: Nhiều vấn đề dẫn tới sự ô nhiễm môi trường) trên website có địa chỉ là: http://www.thebeachfrontclub.com/guide/mui-ne-beach-vietnam-water-pollution-rubbish-a-environment.   Chúng tôi lược dịch bài viết này như sau… bãi biển Mũi Né đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, điều đó thể hiện một cách rõ ràng trong những bức ảnh gây cảm giác không mấy tốt đẹp  mà chúng tôi ghi nhận được. Bất cứ du khách nào đến Mũi Né, có một cuộc đi dạo để tìm hiểu đôi chút về Mũi Né sẽ dễ dàng bắt gặp vấn đề ô nhiễm môi trường... Ô nhiễm đang hủy hoại bãi biển Mũi Né và các vùng lân cận từng ngày, từng giờ. Vấn đề ô nhiễm đang diễn ra có thể do ý thức người dân thấp hoặc các cơ quan  có trách nhiệm chưa thật chú ý đến vấn đề này, hoặc chưa giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nó một cách thấu đáo.

Rác vương vãi khắp nơi trên bãi biển, và có hầu hết mọi ngõ ngách trên khắp đất nước. Người dân địa phương  có thói quen sống chung với rác, chỉ biết lo cuộc sống riêng của mình, không quan tâm đến môi trường xung quanh. Để Việt Nam trở thành một quốc gia sạch đẹp trong vòng một hoặc hai thế hệ, trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục một thế hệ mới.

…Sự ô nhiễm nguồn nước tại Mũi Né rất dễ dàng nhận thấy là khá nghiêm trọng. Du khách có thể thấy ống thoát nước thải trực tiếp ra bãi cát và khu vực bơi, với màu nước đen sì và mùi hôi nồng nặc xông lên từ đây. Có lẽ tệ hại hơn, lượng nước thải này sẽ giết chết cá và sinh vật biển, làm tổn hại sức khỏe của con người. Trong khi đó, ở Thái Lan, Cục Kiểm soát ô nhiễm của Chính phủ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá môi trường bãi biển của quốc gia, nên các bãi biển của Thái Lan luôn sạch hơn nhiều so với nguồn nước ở Mũi Né…

Từ nội dung trên cho thấy rằng đây là câu chuyện buồn cho ngành du lịch Bình Thuận sau 20 năm phát triển. Với câu “Để Việt Nam trở thành một quốc gia sạch đẹp… phải bắt đầu từ việc giáo dục một thế hệ mới” của tác giả John Everingham làm tôi nhớ tới hình ảnh các học sinh tiểu học ở Singapore ăn kẹo, bánh xong lấy vỏ bao bì bỏ vào túi quần, ba lô khi đang trên chuyến tàu điện ngầm. Xuống trạm dừng, các em nhỏ lấy vỏ bao bì này ra khỏi túi cho vào thùng rác công cộng. Chính hành động cư xử tốt với môi trường bắt nguồn từ việc giáo dục, tuyên truyền ngay từ thuở nhỏ, làm Singapore trở thành quốc gia xanh sạch nhất thế giới. Những người có trách nhiệm nghĩ gì về bài viết trên.

 Trang Minh

Cập nhật ngày 09-01-2015
Xem tin theo ngày