Thú câu gành

Thú câu gành

BT- Buổi sáng có việc phải đi Mũi Né, ngang qua bãi Đá Ông Địa, tôi thấy có mấy người đàn ông đứng trên mỏm đá buông cần câu cá. Lúc đó là 6 giờ sáng.

4 tiếng đồng hồ sau, từ Mũi Né trở về, thấy họ vẫn còn đứng thản nhiên nhìn ra biển buông câu. Tôi thán phục sự kiên nhẫn của họ nên dừng xe, thả bộ xuống bãi làm quen. Tôi trò chuyện với ông Phi (64 tuổi) là một người ham mê câu cá đã nhiều năm. Ông Phi tâm sự:

“Đi câu là một thú vui quyến rũ nhiều thành phần: thiếu niên, thanh niên, trung niên và người cao tuổi. Có những người thích thả câu bên một bờ hồ, trên một bờ kè, thành cầu, dòng sông hay một gành đá ven biển. Tuy nhiều thành phần khác nhau, nhưng những người đi câu cá có chung một đức tính kiên nhẫn. Bởi vì không phải cứ “bạt” dây câu xuống là có cá ăn mồi để kéo lên liền, mà luôn luôn phải chờ đợi. Có khi chờ vài tiếng đồng hồ mới có một con cá ăn câu. Khoảng thời gian chờ đợi đó là khoảng thời gian để hòa mình cùng thiên nhiên, suy ngẫm mọi chuyện trên trời dưới đất, từ thân phận con người đến biến động xã hội…Và khi cần câu rung lên báo hiệu cá mắc câu, thì đó là khoảnh khắc sướng nhất trần đời”.

Ảnh minh họa

Thường ngày, cùng đi câu với ông là ông Nhựt (67 tuổi) cùng ở phường Phú Hài. Ông Nhựt câu cách ông Phi một quãng chừng 20m. Cả hai ông cùng có sở thích đi câu gành; tức là câu từ những mỏm đá, mô đá ven biển.

Ngày nào cũng vậy, hai ông thường thức dậy từ 4 giờ sáng, sửa soạn đồ nghề chuẩn bị đi câu. Đồ nghề của họ không có gì nhiều: Một cần câu máy hiệu Shimano của Nhật Bản, một giỏ tre để đựng cá và một lon đựng mồi cùng chai nước uống.

Sau khi cà phê, ăn sáng; mỗi ông một xe gắn máy rong ruổi lên đường. Khi thì họ đi xa tận Hòa Thắng; khi thì đi Mũi điện Kê Gà; hôm nay thì họ hẹn nhau đi câu ở bãi Đá Ông Địa, tuy nhiên từ sáng sớm đến tận giờ, mỗi người chỉ câu được vài con cá đục.

“Đi câu chủ yếu là thư giãn”, ông Phi vừa nói vừa mở giỏ tre đeo bên hông cho tôi xem; bên trong chỉ có 2 con cá đục nhỏ dài chừng 10 cm. Trong giỏ còn có một lon nhỏ đựng mồi là tôm sống. Mỗi đợt đi câu, ông tốn khoảng 30 ngàn đồng tiền mồi. Tôm sống mua về, lột vỏ rồi xắt nhỏ ra đựng trong lon, khi cần thì mắc mồi vào lưỡi câu.

Thỉnh thoảng ông Phi lại rút dây câu lên gỡ rong bám vào dây câu, có khi để mắc thêm mồi mới vì mồi cũ cá đã rỉa sạch mà không mắc câu. Tôi nói:

“4 tiếng đồng hồ rồi mà câu được có 2 con cá nhỏ thì tính kiên nhẫn của các anh làm tôi thán phục”.

Ông Phi cười: “Đi câu mà không có tính kiên nhẫn thì không thể câu được”. Rồi ông kể cho tôi nghe một kỷ niệm:

“Một hôm cũng ở bãi Đá Ông Địa này, tôi câu được 8 con cá chang to bàn bàn tay, thêm một con cá hanh và 2 con cá đục nữa là tất cả 11 con. Tôi thấy mình câu đã được kha khá, nghĩ không còn cá để câu thêm nữa, sửa soạn về thì anh bạn câu gần đó đến xin tôi mấy lưỡi câu, lúc ấy trong giỏ của anh ta không có con cá nào. Nhưng đức kiên nhẫn của ảnh là đáng phục. Khi tôi về nhà, thì chỉ một giờ sau anh ta tìm đến mở giỏ ra khoe chỉ trong một tiếng đồng hồ ảnh câu được tất cả 32 con cá. Vậy đó, khi đi câu không có cá thì đừng mất kiên nhẫn.

Vừa dứt lời, chợt đầu cần câu của ông giật giật.

- Câu được cá chang rồi!

Ông kéo dây câu, đúng là con cá chang đu đưa theo sợi cước.  Ông gỡ cá ra khỏi dây câu. Tôi đề nghị ông cầm con cá vừa câu được cho tôi chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Ông Phi cầm con cá trong tay. Tôi bấm máy đúng lúc con cá quẫy mạnh văng mình xuống biển.

Ông Phi nhìn xuống nước:

- Loại cá chang này lạ lắm. Nó đã sẩy rồi thì không còn con cá chang nào tiếp tục ăn câu nữa. Cứ như nó xuống báo cho đồng loại biết nguy hiểm mà tránh đi chỗ khác. Các loại cá khác thì không thế, sẩy cá vẫn tiếp tục câu được. Chỉ riêng dòng cá chang, sẩy cá thì đừng mong câu được con cá chang nào nữa.

Tôi nói:

- Tại tôi xin chụp hình mà anh sẩy mất con cá. Tiếc thật!

Ông Phi cười nói: “Cá câu lên bị sẩy mất là thường, ai cũng gặp phải tình huống này cả”.

HOÀNG CẦM

Cập nhật ngày 09-04-2014
Xem tin theo ngày