Du lịch tâm linh núi Tà Cú
Du lịch tâm linh núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam): Có thể phát triển tốt hơn sau Tuyên
bố Ninh Bình
BT- Một hội nghị quốc tế về du lịch
tâm linh mới đây được tổ chức ở thành phố Ninh Bình. Tại hội nghị này, nhiều
nước tham dự đã ra Tuyên bố Ninh Bình, chính thức “tạo điều kiện phù hợp để sử
dụng tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch tâm linh một cách có trách nhiệm và
bền vững”. Điều này đồng nghĩa, trong tương lai gần, du lịch tâm linh sẽ phát
triển trên cơ sở những điều luật cho phép.
|
Tượng Phật “Thích Ca nhập niết bàn” tư thế
nằm ở chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam). Ảnh: Đình Hòa |
Ngay sau có Tuyên bố Ninh Bình,
nhiều tỉnh nghĩ đến việc phát triển du lịch tâm linh, qua đó phát triển kinh tế
- xã hội. Bình Thuận cũng là tỉnh mà theo đánh giá của ngành du lịch có nhiều
điều kiện phát triển du lịch tâm linh. Không kể chùa Linh Sơn (huyện đảo Phú
Quý), chùa Hang (Tuy Phong), chùa Ông (Phan Thiết), dinh Thầy Thím (Tân Tiến,
thị xã La Gi) thì chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam)… có vị trí hàng đầu trong phát
triển du lịch tâm linh. Bài viết này không kể lại lịch sử chùa, song có thể
nói: ở độ cao gần 500m, khí hậu quanh năm mát mẻ, các công trình kiến trúc của
chùa với gần 150 năm xây dựng… lại ẩn mình dưới rừng cây xanh bốn mùa, chùa
núi Tà Cú đủ sức hấp dẫn bao du khách. Trên núi còn có tượng Phật “Thích Ca
nhập niết bàn”, tư thế nằm, dài 49m, cao 11m, thực hiện năm 1962, cách đây không
lâu được ghi vào kỷ lục châu Á. Có thể lên chùa bằng đường bộ hoặc cáp treo.
Chùa Núi còn có một thế mạnh nữa mà không phải nơi nào cũng có là nằm giữa kho
tàng cây thuốc của những cánh rừng bao quanh chùa. Điều này càng làm tăng sự
hấp dẫn và lòng thành kính người xưa trong lòng du khách. Đây là lý do để 10 năm
qua, hàng triệu người viếng chùa, kết hợp du lịch. Với Tuyên bố Ninh Bình,
ngành du lịch Bình Thuận càng có quyết tâm làm cho chùa Núi thành nơi du lịch
tâm linh có vị thế trong khu vực Đông Nam bộ, rộng ra là cả nước, bởi kinh
nghiệm cho thấy vấn đề tâm linh bao giờ cũng có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với
một bộ phận dân chúng.
Điển hình, cứ vào mùa xuân, hàng
trăm người từ các tỉnh miền Tây đã không quản đường xa hành hương về Bình Thuận,
trước viếng dinh Thầy Thím, sau là viếng cảnh chùa Núi. Một vấn đề nữa, do các
danh thắng, di tích sử - văn hóa không quá xa nhau, Bình Thuận có thể hình
thành các cung đường du lịch tâm linh. Chẳng hạn, cung đường: Dinh Thầy Thím -
chùa Núi Tà Cú- chùa Ông - chùa Hang và ngược lại. Kinh nghiệm của nhiều quốc
gia, cung đường du lịch tâm linh không chỉ đón, đưa du khách, người hành hương
viếng chùa chiền, di tích lịch sử, những nơi lung linh sắc màu huyền thoại mà
còn kết hợp tổ chức yoga trị bệnh, thiền định … làm cho người tham gia cảm
thấy phấn chấn, và yêu cuộc sống… Du lịch tâm linh chùa Núi đang đứng trước cơ
hội phát triển.
Hà Thanh Tú