Nhân lực cho du lịch - hướng cho

Nhân lực cho du lịch - hướng cho tương lai 

BT- Du lịch Bình Thuận sau 18 năm hình thành và phát triển đã có nhiều nét đột phá, trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất trong cả nước. Các loại hình kinh doanh du lịch phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc. Tuy lao động du lịch tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng vẫn còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu. Bài toán về nguồn nhân lực vẫn luôn làm đau đầu các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận.

 Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trường Đại học Phan Thiết tổ chức hội thảo quốc gia về nguồn nhân lực và phát triển du lịch Bình Thuận. Chính vì tầm quan trọng trong chiến lược phát triển, nên hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy, các trường đại học… với hơn 70 tham luận về nguồn nhân lực du lịch từ 3 miền của đất nước. Họ đã ngồi lại, nhìn nhận và chia sẻ với một mong muốn là nguồn nhân lực hiện có ngày càng được đào tạo xứng tầm hơn.

Theo số liệu thống kê, tổng số lao động trong ngành du lịch của tỉnh hiện nay là trên 12.000 người, tăng bình quân trên 10% năm. Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhìn nhận: Đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch hiện nay thiếu nhiều, chất lượng nhân viên phục vụ còn rất hạn chế. Lao động chưa được đào tạo chiếm tới 44,47% trong tổng số lao động. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,59%. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường khách quốc tế… “Số lượng sinh viên của ngành du lịch chỉ chiếm 70% so với tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh, trong khi hai ngành này tìm việc rất khó. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay phần lớn vẫn là tự phát và chưa qua đào tạo. Một số doanh nghiệp du lịch phát triển theo kiểu hộ gia đình và họ không thuê những người có chuyên môn để quản lý” - ông Bùi Văn Giáo, nhà sáng lập Trường Đại học Phan Thiết cho biết.

Một thực tế đáng buồn là tại một tỉnh có số lượng các khu du lịch lớn, nhưng sinh viên vào học các ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn rất hạn chế. Chính sự nghịch lý này cũng là tác nhân gây cho ngành du lịch phát triển không đồng bộ bởi các nhân viên, người quản lý đều chưa chuyên nghiệp. Dự báo đến năm 2015, ngành du lịch địa phương sẽ có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với trên 12.000 phòng, tổng số lao động phục vụ cho du lịch sẽ trên 40.000 người; đến năm 2020 sẽ trên 78.000 người… Đây là một trong những thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển ngành du lịch Bình Thuận. Điều này đòi hỏi phải đảm bảo hai mục tiêu là nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Một trong những tiêu chí cần thiết để đảm bảo hai mục tiêu này chính là phải đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ.

Với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm, trong đó các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong tương lai được quan tâm nhiều. Theo ông Phạm Xuân Hậu, Phó trưởng khoa Du lịch - Đại học Văn Hiến, chia sẻ: “Bình Thuận cần phải đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực cho ngành. Đặc biệt chú ý thành lập các cơ sở đào tạo nghề và tìm kiếm sự kết hợp của các cơ sở này với các cơ sở đào tạo nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tăng cường bồi dưỡng cho lực lượng lao động không thuộc quản lý của ngành, họ thường là những lao động ở các ngành khác…thì cần phải đào tạo lại để đáp ứng hoạt động phục vụ du khách”. Ông Nguyễn Văn Lưu - Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì cho rằng: Sự phát triển của du lịch Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn như hệ thống giao thông chưa thuận lợi, sản phẩm du lịch còn đơn điệu và chất lượng chưa cao. Đặc biệt nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy để đạt được những mục tiêu cho những năm tới, du lịch Bình Thuận phải xây dựng được đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu.

 Quang Nhân

Cập nhật ngày 04-11-2013
Xem tin theo ngày