Đi đâu rồi cũng nhớ  đua thuyền

Đi đâu rồi cũng nhớ  đua thuyền Phan Thiết!

BT- Mỗi độ xuân về, tết đến, dòng Cà Ty chảy giữa lòng thành phố Phan Thiết như khoác lên mình chiếc áo mới bởi sự  rực rỡ cờ, hoa, bởi không ít biểu trưng, khẩu hiệu trang hoàng dọc theo hai bờ sông.

Nguồn gốc đua thuyền

Đấy cũng là thời điểm diễn ra sự kiện đua thuyền truyền thống trên sông, một lễ hội thu hút hàng vạn người từ các nơi đến xem. Lịch sử của đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết, theo nhiều người kể: có từ xa xưa, xuất phát từ chỗ nghề biển ở Phan Thiết khá phát đạt. Hàng năm, vào dịp giỗ ông Lụy, mừng lễ xuống nghề, các vạn mành đèn Nam Nghĩa, mành chà Thủy Tú, câu khơi Nam Hải, câu thúng Đức Long, rớ Phú Trinh… thường tổ chức cho các bạn nghề mặc đồng phục, cầm dầm đồng màu vừa chèo vừa hò, quanh một chiếc thuyền lớn bày hương án cúng thần biển cả. Bên cạnh đó, để bà con vạn chài vui chơi, một mặt rèn luyện sự dẻo dai, sự quyền biến trước bao  thách thức bất thường của biển cả, các vạn chài đã tổ chức đua thuyền. Sinh hoạt này diễn ra  một cách thường niên dần dần biến thành lễ hội, tạo nên một không khí sinh hoạt văn hóa dân gian  quy mô lớn của cư dân ven biển Bình Thuận. Cũng có ý kiến cho rằng, đua thuyền xuất xứ từ loại hình nghi thức lễ chèo Bả Trạo – loại hình văn hóa tín ngưỡng giữa thờ cá voi và tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thần Sông…

Đua thuyền trên sông Cà Ty (TP. Phan Thiết).

Những thay đổi

Sau năm 1975, lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết được mở rộng và mang sắc khí mới. Đơn vị đua là các xã, phường ven biển trải dài từ Tiến Thành, Đức Long đến Phú Hài, Mũi Né… mừng những ngày hội lớn của dân tộc như: Tết Nguyên Đán,  Quốc khánh, ngày hội truyền thống nghề cá, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Có năm, các bạn nghề ở Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Phú Quý cũng cử những tay đua cừ khôi về Phan Thiết để đua tài,  trên dòng sông Cà Ty. Đội hình đua gồm những tay trạo thiện nghề, cường tráng…  Chỉ huy thuyền đua là người dày dạn kinh nghiệm sông nước, cầm chèo dọc, làm nhiệm vụ lái, lượn, quay thuyền sau mỗi  vòng, cũng như biết  chọn thời điểm rướn, hoặc tăng tốc về đích… Một lão ngư sành điệu việc đua thuyền cho biết: Thuyền đua  là “ngựa chiến” trên sông, muốn thuyền  lướt nhanh, sức cản ít thì gỗ đóng thuyền phải là gỗ bằng lăng, mũi hao hao con thoi trên khung cửi, nước chảy, gió ngược không cản nỗi... Những năm gần đây, vì điều kiện kinh tế và các lý do khách quan, hội đua thuyền chỉ diễn ra vào chiều mùng 2 tết Nguyên đán, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến không khí cuộc vui ngày tết. Lễ hội đua thuyền Phan Thiết cũng là nơi đào tạo nhiều tay đua cho đội đua thuyền cấp quốc gia và khu vực. Trước lúc đua chính thức, trên sông Cà Ty còn diễn ra đua thúng, lắc thúng. Dưới sông, các đội tranh tài từng gang tấc, trên bờ tiếng trống lân, trống ếch và tiếng reo hò của người xem vang dậy…

Có thể nói, sự thành công của một đội đua không phải do người chỉ huy giỏi cũng không phải do người chèo lái tốt mà đó là sự đồng lòng, đoàn kết, hợp sức của các vận động viên ngồi trên thuyền.

Lễ hội đua thuyền trên dòng Cà Ty hiền hòa đã trở thành truyền thống và là nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán không thể thiếu trong đời sống của ngư dân Bình Thuận. Chính vì thế, nhiều người gốc Bình Thuận cho hay: “Đi đâu rồi cũng nhớ hội đua thuyền Phan Thiết!”.

HỒ THANH NHẬT BẢO

Cập nhật ngày 01-02-2013
Xem tin theo ngày