Người ở xa lại rành về Mũi Né
Người ở xa lại rành về Mũi Né
BT- Ngay sau khi đặt chân xuống sân
bay Quốc tế Băng Cốc, trên đường ra khu nhận hành lý và ra sảnh chính, chúng
tôi, những người khách đến Thái Lan đã được giới thiệu (phát không) rất nhiều
tài liệu về du lịch Thái. Từ ngày đó sau khi trở về Bình Thuận, tôi hay nghĩ đến
việc: Làm thế nào để Bình Thuận giới thiệu một cách tốt hơn về tiềm năng, thế
mạnh du lịch của mình? Mới đây, một cách tình cờ vào trang web: lamchame.com,
mới hay: Nhiều người ở các tỉnh, thành xa đã khá lưu tâm và tìm hiểu Mũi Né. Họ
lên mạng hỏi đường, các tuyến xe, chỗ ăn chỗ nghỉ. Điều này được trang
lamchame.com trả lời thông qua một bài viết khá dài. Chẳng hạn, một người ở Hà
Nội sau khi đến Mũi Né đã thông tin cách đi Mũi Né bằng đường bộ mà không phải
người địa phương nào cũng làm được. Ví dụ bằng đường xe, mặc dù chưa đầy đủ song
rất đáng ghi nhận: “Từ TP. HCM muốn đi đến Mũi Né thì nên đi xe Phương Trang,
xe Mai Linh và xe Sinh Café…”. Thời điểm xe chạy ghi rất rõ cũng như nên mua vé
tại đâu khi ở TP. HCM. Về vé tàu hỏa cũng thế. Điều đáng nói, bài trên trang
web này không để cho người phương xa mới đến Phan Thiết lạc lõng, hoặc quá mất
nhiều thời giờ tìm hiểu các thông tin như: xe buýt, nơi ăn nghỉ tốt nhất… Ví
dụ xe buýt đi Mũi Né, bài trên trang cho hay: “Tuyến số 1: Phan Thiết –Hòn
Rơm”: Từ KDL Suối Cát, 383 Trần Quý Cáp (đoạn bắt đầu vào Phan Thiết) theo Trần
Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, Mũi
Né, Hòn Rơm, Suối Nước (KDL Thiên Thanh). Tuyến này đi qua phố, resort dọc đường
ven biển Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng”. Bài trên trang còn chỉ cho
khách thuê một chiếc taxi từ trung tâm Phan Thiết ra Hòn Rơm giá bao nhiêu thì
vừa; thuê xe tay ga cao phân khối, xe máy giá bao nhiêu cho nửa ngày? Kế đến
các resort. Hãy đọc đoạn văn sau đây để thấy người viết hướng dẫn kỹ đến mức
nào: “Nên chọn resort nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, dễ đi chơi, khu vực này
đông, vui. Các resort từ Cây Bàng xuống đến trên Tiến Đạt resort thì bãi cát
rộng, còn từ Tiến Đạt trở xuống hầu như không có bãi cát do resort quá sát biển.
Các resort phía trên cũng đông người hơn (đa số là người nước ngoài) và cũng có
nhiều trò chơi trên biển hơn”. Về điểm tham quan, cũng ghi tỉ mỹ, kể cả phần
giá cả, cách tiết kiệm chi phí, cách thông qua mối quan hệ quen biết để tìm một
hướng dẫn viên an toàn, lịch sự. Và, có một phần ít người muốn đọc, nếu không vì
trách nhiệm. Đó là phần chê: “…Chỗ đồi cát trắng đó có việc làm mất cả vui. Lúc
vừa đến thì một cậu bé vác cái tấm trượt cát lẽo đẽo đi theo nhằng nhẵng… nói
tới lần thứ năm thứ sáu, cậu bé mới chịu bỏ đi. Đến lúc đi bộ xuống đồi, ra lại
xe thì bị cậu bé bám theo, miệng như tụng kinh “Cho con tiền mua sách”… Những
điều đó dễ làm bực mình”.
Đọc điều trên chúng tôi lấy làm vui
vì Mũi Né được nhiều người biết đến, song tự hỏi rằng: Mình có vô tình chăng
khi chưa tìm thấy nhiều sản phẩm văn hóa chứa nội dung thông tin về du lịch
Bình Thuận được phát không, hoặc bán với giá thấp trên đường phố, trong các
điểm vui chơi như gặp ở xứ người?
P.V