Đẩy mạnh phát triển du lịch nông

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn

Những năm tới, Bình Thuận tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch cũng như tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trên địa bàn tỉnh…

Điều này thể hiện qua Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND tỉnh xây dựng đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Theo đó đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

KDL Thác Bà (Tánh Linh).

Bên cạnh đó cũng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, có điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Đến thời điểm năm 2025, Bình Thuận nỗ lực có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá và 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Còn tại mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch sẽ xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh…

Triển khai kế hoạch này, Bình Thuận sẽ nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Có tính đến thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái. Tiến hành cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch phù hợp nhu cầu của du khách, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền...

Cùng với đó bố trí xây dựng các điểm hoặc nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt yêu cầu phục vụ du khách. Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến cũng như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn. Quan tâm xây dựng và phát triển hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

Tới đây, Bình Thuận còn tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu từng đối tượng du khách. Tích cực hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống, hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao… Trong đó có phục dựng mô hình sản xuất sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua trải nghiệm thực tế và bảo tồn, phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử cách mạng...

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, thời gian tới tỉnh cũng dành sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng, tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá trên lĩnh vực này. Xúc tiến xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Qua đó góp phần cải thiện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Đ.QUỐC