Để du lịch Phan Thiết trở thành

Để du lịch Phan Thiết trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Một trong những thế mạnh để tạo nên một Bình Thuận chuyển mình, không thể bỏ qua ngành công nghiệp không khói là du lịch. Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng hiện đã và đang trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch tín ngưỡng, biển đảo…

 “Thay áo mới ”

Nói đến Bình Thuận, không thể không nhắc đến tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, TP. Phan Thiết đã được cả nước và quốc tế biết đến như một trong những thiên đường nghỉ dưỡng. Nhất là trong khoảng vài năm trở lại đây, thành phố biển đã thực sự “thay màu áo mới”. Điều này thể hiện rõ qua kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị được quan tâm đầu tư ngày càng hiện đại. Đặc biệt là sự xuất hiện của điểm vui chơi giải trí như Circus Land Nova World Phan Thiết ở ven biển Tiến Thành đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, giải trí. Phan Thiết còn được nhắc tên với những danh thắng có tiếng từ lâu như đồi cát Mũi Né, Suối Tiên, bãi Đá Ông Địa…

Du khách tham quan Suối Tiên (Phan Thiết)- ảnh K.H

Ngoài ra, du khách khi đến với Bình Thuận thường chọn điểm tham quan các di tích văn hóa như di tích Lầu Ông Hoàng, quần thể tháp Chăm PôSahInư. Cùng với đó là nét đẹp văn hóa, gắn liền với cuộc sống người dân vùng biển, như hương vị nước mắm Phan Thiết, bánh căn, mực một nắng… khó nơi nào sánh bằng. Hiện nay, trước xu thế và thị hiếu mới của du khách, Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng còn chú trọng các dịch vụ thể thao trên biển, trên cát, xứng đáng là điểm đến lý tưởng của mọi đối tượng du khách khi ghé qua.

Với những kết quả đang có, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của TP. Phan Thiết. Chính nhờ ngành công nghiệp không khói này, đã giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

Thể thao biển tại Phan Thiết (ảnh Ngọc Lân).

Thúc đẩy du lịch Phan Thiết đột phá

Tại hội thảo về chủ đề “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, Thành ủy Phan Thiết đánh giá, bên cạnh những kết quả và thành tựu hiện có, trên thực tế du lịch Phan Thiết vẫn đang ở dạng tiềm năng. Những lợi thế du lịch chỉ được khai thác ở mức độ cơ bản. Du lịch biển ở Phan Thiết vẫn chưa phát huy được lợi thế để “kéo” khách du lịch, chưa phát triển đúng với tiềm năng của mình…

Chính vì vậy, ngoài những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế Phan Thiết giai đoạn 2022 - 2030, địa phương cho rằng, phát triển du lịch biển Phan Thiết phải dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế. Đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch Phan Thiết có tính đột phá. Theo đó, công tác quy hoạch là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch. Người dân địa phương với nền văn hóa, môi trường, lối sống và truyền thống của họ là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch. Đồng thời làm phong phú thêm các loại hình và sản phẩm du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch được thực hiện thông qua việc khuyến khích họ sử dụng các phương tiện, các cơ sở vật chất của mình để phục vụ du khách. Song song, khuyến khích họ bảo vệ tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch. Đơn cử là tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn dân cư địa phương sinh sống…

TP. Phan Thiết đang phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 7 - 7,5 triệu lượt du khách. Trong đó khách quốc tế chiếm từ 12 - 15%; doanh thu du lịch đạt 20.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa ngành du lịch biển Phan Thiết phát triển mạnh mẽ, bền vững. Qua đó, từng bước hiện thực hóa phát triển tiềm năng du lịch biển Phan Thiết trong thời gian tới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương.

KIỀU HẰNG