Đa dạng các loại hình

Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch

 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ IX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 xác định 1 trong 2 lĩnh vực đột phá là “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch”. Vì thế, những năm qua, huyện đã tập trung phát triển du lịch đạt những kết quả nhất định, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Sau 2 năm dịch Covid – 19, huyện Tuy Phong đã bắt đầu “rô-đa” lại ngành du lịch, ngày càng được cải thiện hơn về chất lượng, môi trường và giá cả dịch vụ, lượng khách tham quan du lịch có chiều hướng tăng trở lại. Những năm qua, không gian phát triển du lịch trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu tại Khu du lịch Bình Thạnh. Sản phẩm du lịch được xác định là du lịch tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch vườn, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tắm biển và các hoạt động thể thao trên biển. Ngoài ra, tại các điểm du lịch khác cũng thu hút nhiều lượt khách đến tham quan như Khu du lịch Vĩnh Tân, Hòn Cau. Đặc biệt, các sản phẩm, loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhiều đối tượng du khách thông qua các lễ hội dân gian được duy trì và tổ chức thường xuyên hàng năm.

Bãi đá 7 màu  - Khu du lịch Cổ Thạch.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện có hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan (trong đó, khoảng 3.199 lượt khách nước ngoài). Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được củng cố và phát triển, hạ tầng tại Khu du lịch Bình Thạnh được đầu tư một số hạng mục công trình. Tuyến đường Hòa Thắng - Phan Rí Cửa hoàn thành, đã tạo tuyến ven biển kết nối thông tuyến từ Mũi Né về Khu du lịch Bình Thạnh. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến huyện tham quan, nghỉ dưỡng là 671.442 lượt khách, trong đó số lượt khách lưu trú tại Khu du lịch Bình Thạnh hơn 139.000 lượt khách; khách vãng lai hơn 521.000 lượt khách; số lượt khách ra đảo Hòn Cau 5.937 lượt khách; số lượt khách theo tuyến Tà Năng - Phan Dũng 4.643 lượt khách, so với chỉ tiêu đạt 44,76%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 là hơn 52%.

Khách du lịch ghé chợ Phan Rí Cửa rất đông dịp cuối tuần

Bên cạnh đó, huyện đã duy trì các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 ÂL, Lễ hội Cầu ngư các hội vạn lạch, Lễ tưởng niệm di tích Cát Bay, Lễ hội lên tháp thôn Lạc Trị, Đêm hội trăng rằm, Hội thi Đờn ca tài tử... Ngoài ra, còn tổ chức thường xuyên các môn thể thao như: Giải đua thuyền trên biển cấp huyện, bóng chuyền bãi biển, giải vượt đồi cát Bình Thạnh, giải đua xe đạp mùa xuân... Các loại hình dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng, chất lượng phục vụ theo hướng tích cực, văn minh và hiện đại đã để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Bãi đá Cà Dược thu hút rất đông du khách dịp lễ tết.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch với các hoạt động phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Tập trung nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các lễ, hội truyền thống, tín ngưỡng có tính đặc thù của huyện. Khôi phục, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện đã được cấp trên công nhận để khai thác du lịch và phục vụ du khách. Tạo điều kiện phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, câu cá, lặn biển; khai thác các loại hình du lịch thể thao biển tại Bình Thạnh, Vĩnh Tân.

Song song đó sẽ định hướng phát triển du lịch tín ngưỡng (Minh Đạo Tự) tại Khu quy hoạch ven biển Hòa Thắng - Phan Rí Cửa. Xây dựng và phát triển sản phẩm ẩm thực đặc trưng vùng biển, hướng đến hình thành và phát triển loại hình du lịch ẩm thực. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao biển tại các khu du lịch. Tổ chức hoặc liên kết phát triển các tour, tuyến du lịch, khai thác tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng khi tỉnh chấp thuận; phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau...

M. VÂN