Tuy Phong

Tuy Phong: Sẽ đón du khách trong điều kiện thích ứng an toàn

BT- Chùa Cổ Thạch, bãi đá Cà Dược, đình Bình An, lăng Ông Nam Hải… là những điểm đến lý tưởng, thu hút nhiều du khách ghé thăm tại Khu du lịch Bình Thạnh (Tuy Phong) nhiều năm qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đang là thách thức lớn cho ngành du lịch trong tỉnh nói chung và du lịch Bình Thạnh, Tuy Phong nói riêng.

Khu du lịch Bình Thạnh.

Chưa thể hoạt động lại

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Tuy Phong bị “tê liệt” suốt thời gian qua. Nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 xuất hiện (tháng 5/2021) đến nay, tại Khu du lịch Bình Thạnh có khoảng 180 hộ, gồm quầy dịch vụ nhỏ, hàng quán phục vụ du lịch đều phải dừng hoạt động. Riêng các nhà nghỉ, khu lưu trú tại xã Bình Thạnh có khoảng 45 cơ sở cũng phải đóng cửa vì không có khách. Do đó, ảnh hưởng của đại dịch tác động rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân và đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương.

Ông Hồ Công Tiền - Giám đốc Ban quản lý (BQL) du lịch Bình Thạnh cho biết: Những năm qua, khách du lịch tới Bình Thạnh chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam bộ. Tuy nhiên, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện, Ban quản lý phải tự đóng cửa vì vắng bóng khách. Lần lượt 19/22 nhân viên, người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động.

Đến thời điểm này, mặc dù chưa hoạt động trở lại, nhưng BQL du lịch Bình Thạnh đã có kế hoạch các hoạt động kích cầu du lịch sau khi dịch Covid-19 ổn định. Mục đích sẽ cùng với nhà nước thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch tại địa phương. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dịch vụ, hộ gia đình tổ chức lại việc buôn bán, kinh doanh phục vụ du khách trong điều kiện thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Chờ đáp ứng đủ điều kiện

Theo phân vùng cấp độ dịch, thời điểm này huyện Tuy Phong đang ở cấp độ 3 (vùng cam). Các cơ sở lưu trú phải thực hiện không quá 50% công suất phòng và các yêu cầu khắt khe về phục vụ ăn uống cho khách. Ngoài ra, theo lãnh đạo BQL du lịch Bình Thạnh, điều kiện để hoạt động kinh doanh du lịch trở lại là các cơ sở lưu trú, dịch vụ, quầy hàng, hộ buôn bán nhỏ và du khách phải thực hiện đầy đủ các quy định 5K của Bộ Y tế. Mặt khác, phải thành lập tổ giám sát, theo dõi hoạt động du khách. Phối hợp xử lý các trường hợp, tình huống phát sinh và kiểm tra, nhắc nhở các điều kiện đón khách của các cơ sở lưu trú. Đáng lưu ý, khu du lịch chỉ tiếp nhận đối với du khách đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin theo quy định hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Riêng các cơ sở lưu trú xây dựng kế hoạch đón tiếp du khách theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bố trí, trang bị điều kiện, phương tiện sẵn sàng đi vào hoạt động trở lại sau khi những người trong cơ sở lưu trú tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, theo nhìn nhận, đến thời điểm này địa phương vẫn chưa thể mở cửa đón khách du lịch, do các cơ sở lưu trú, người làm dịch vụ du lịch trên địa bàn chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêm 2 mũi vắc xin theo quy định.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, nhìn lại kết quả hoạt động du lịch trong năm qua, UBND huyện Tuy Phong cho biết, đến nay huyện đã thu hút và xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển Chí Công, kết nối liên thông tuyến đường Hòa Thắng - Phan Rí Cửa - Bình Thạnh. Về liên kết vùng, BQL du lịch Bình Thạnh đã kết nối nhiều lượt đưa khách đi tham quan các điểm trong huyện. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để từng bước quan tâm đầu tư phát triển du lịch thông qua phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch của địa phương, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mang tính chuyên biệt. Hy vọng trong thời gian tới, du lịch Bình Thuận nói chung và Tuy Phong nói riêng sẽ sớm đón khách trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn trước Covid-19.

Kiều Hằng