New Page 1

“Liều thuốc” niềm tin du lịch khởi sắc

BT- Qua những thử thách của đại dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đã rút ra được những bài học đắt giá. Đó không chỉ là sự nhanh nhạy, thích ứng với môi trường luôn biến đổi mà còn phải tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào vì người “khổng lồ nào” cũng bước đi bằng 2 chân. Bên cạnh đó ngành du lịch phải có quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thành cơ hội; liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Còn 1 quý nữa hết năm 2021, ngành du lịch với kinh nghiệm và các biện pháp chủ động, cùng quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, chúng ta kỳ vọng vào một bức tranh du lịch khởi sắc.

Du khách tham quan Suối Tiên, TP. Phan Thiết (ảnh tư liệu). Ảnh: Đình Hòa

Hy vọng vào sự hồi sinh của du lịch trong một ngày hai ngày sau dịch bệnh được khống chế theo kiểu “công tắc điện”, nghĩa là hết dịch thì mở cửa, có dịch thì đóng như các đợt trước là điều kiện vô cùng khó khăn, thậm chí không tưởng. Bởi các chuyên gia đã khẳng định, trong đợt dịch lần thứ 4 này để dịch hoàn toàn chấm dứt, bình thường hóa lại cuộc sống cho người dân sẽ còn lâu dài và rất khó. Dẫu biết rằng tương lai phía trước của ngành du lịch vẫn còn “mù mịt” vì đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt, thế nhưng những người làm du lịch vẫn giữ niềm tin, nuôi hy vọng về gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh du lịch toàn cầu cũng như trong nước. Khoảng lặng giữa dịch bệnh hiện nay, những mất mát của ngành du lịch lúc này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để những người làm du lịch nhìn lại mình, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân để đón đầu sự trở lại mới của du lịch.

Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch tỉnh nhà vừa phải lo phòng, chống dịch vừa tìm cách “xoay trục”, vừa tính đến phục vụ thị trường khách nội địa, khách tại chỗ. Mùa cao điểm du lịch Bình Thuận đón hè từ tháng 5 - 9 đã qua, cơ hội lớn trong năm đến rồi đi. Từ đây, chương trình kích cầu trong quý 4 và lâu dài được kỳ vọng sẽ tiếp tục là “đòn bẩy” góp phần phục hồi ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà. Mặt khác, sự phục hồi của ngành du lịch Bình Thuận không chỉ thể hiện ở sự sôi động của hoạt động du lịch mà phải bắt đầu từ “gốc” là “sức khỏe” của doanh nghiệp, của các cơ sở du lịch trong kích cầu, liên kết.

Kích cầu, liên kết chính là phương án hữu hiệu trong công cuộc khôi phục ngành du lịch Bình Thuận. Song song, vẫn cần nhiều phương án củng cố lòng tin của du khách. Đây được xem là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới để ngành du lịch có thể “thở” trở lại.

Với lợi thế “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, tài nguyên du lịch bao la nhưng khách lại không tin tưởng điểm đến thì thật là đáng tiếc; do vậy cần tính bài toán “thu phục” lòng tin của du khách trước khi tính đến phương án dài hơi bởi du khách chính là người quyết định tất cả.

Cho nên, để ngành du lịch Bình Thuận có thể khôi phục trở lại các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú không chỉ nghĩ đến các phương án kích cầu, giảm giá để thu hút du khách, mà quan trọng nhất là làm sao để du khách tin tưởng với địa phương, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ một cách tự nhiên, an tâm nhất.

Một yếu tố quan trọng nữa đó là chương trình triển khai vắc xin Covid-19 đang mang lại niềm tin cho người dân, du khách ở một số quốc gia và là cơ hội kích cầu trở lại sau một thời gian dài du lịch chịu ảnh hưởng của đại dịch. Đây chính là bước đệm chắc chắn, khẳng định, củng cố niềm tin, tạo đà cho du lịch khởi sắc trở lại, khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn cũng như thương hiệu của Bình Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Sự thành công của khôi phục ngành du lịch là có được “liều thuốc” hữu hiệu, có được niềm tin trở lại của du khách trong trạng thái “bình thường mới”.

Dụng Văn Duy