Đại dịch và nỗi lo nhân sự ngành

Đại dịch và nỗi lo nhân sự ngành du lịch

BT- Năm nay đã không thể tổ chức hoạt động du lịch hè cũng như du lịch dịp lễ 2/9 sắp tới (kéo dài 4 ngày, từ 2 - 5/9/2021). Nhưng với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang triển khai ở mức cao nhất, quyết liệt nhất trên toàn quốc thì vẫn hy vọng sẽ có mùa du lịch Giáng sinh và năm mới 2022.

Ngành du lịch cũng cần đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng để sẵn sàng đón phục vụ du khách trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được đẩy lùi (ảnh minh họa).

Có thể nói, sau những đợt dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài thì du lịch cả nước nói chung và ngành kinh tế mũi nhọn Bình Thuận nói riêng thực sự đã “thấm đòn”. Khó khăn ngày càng thêm chồng chất và thiệt hại do tác động tiêu cực từ đại dịch gây ra cũng chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng rõ nhất là sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu. Số liệu ghi nhận trong tháng gần nhất (từ 1/7 - 1/8/2021), toàn tỉnh chỉ đón được 19.000 lượt khách, giảm 85% so cùng kỳ và doanh thu từ du khách đạt 50 tỷ đồng, giảm 90% so cùng kỳ. Tính chung qua 7 tháng đầu năm nay, Bình Thuận mới đón khoảng 1.738.600 lượt (trong đó khách quốc tế có 20.150 lượt, giảm hơn 87% so cùng kỳ) với doanh thu hơn 3.900 tỷ đồng, giảm 24,1% so cùng kỳ năm trước.

Hoạt động du lịch trầm lắng cũng kéo theo sự sụt giảm về nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động trực tiếp phục vụ cho ngành du lịch địa phương khi mà phần lớn (80 - 90%) cơ sở lưu trú tạm ngưng kinh doanh, trong số đó có 5 - 10% cơ sở ngưng hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó việc kinh doanh dịch vụ lữ hành trong giai đoạn dịch Covid - 19 bùng phát cũng gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các đơn vị đều ngưng hoạt động từ tháng 2 năm ngoái.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khoảng 26.000 nhân viên phục vụ ngành du lịch của tỉnh thì có chừng 75 - 90% (tức khoảng 22.000 lao động) phải nghỉ việc không hưởng lương, còn lại bị cắt giảm giờ làm. Khảo sát của ngành cũng cho thấy, số lao động tại khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao hoặc tương đương giảm hơn 70 - 95%, tương tự khách sạn 3 sao giảm 50 - 70%, còn cơ sở lưu trú hạng 1 - 2 sao giảm 60 - 85%...

Trước tình hình như trên, ngành liên tục kiến nghị cấp thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người lao động kịp thời tiếp cận các chính sách hỗ trợ, kể cả việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch cho đối tượng này. Cùng với đó là thành lập Tổ giúp việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời đã triển khai quyết định của UBND tỉnh về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch khi đáp ứng điều kiện.

Những nỗ lực của địa phương và ngành về hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực “công nghiệp không khói”, chăm lo cho lao động du lịch trên địa bàn tỉnh là rất đáng trân trọng. Dù vậy trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 bao phủ toàn ngành cũng gây ra nỗi lo về nhân lực phục vụ du lịch, dịch vụ vào thời gian tới trong trường hợp sớm đẩy lùi hoặc buộc chung sống an toàn với đại dịch... Bởi do mất nguồn thu nhập ổn định vì hoạt động du lịch “đóng băng”, không ít người lao động trong ngành đã hoặc đang tính đến những công việc mới để lo chi phí trang trải cuộc sống. Thế nên lúc này đây rất cần giải pháp phù hợp tình hình, hướng đến cùng doanh nghiệp du lịch triển khai những hành động thiết thực nhằm “giữ chân”, tiếp tục hỗ trợ đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho lao động của ngành...

Nói để thấy rằng, du lịch hiện là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận và tham gia góp phần giải quyết việc làm (trực tiếp lẫn gián tiếp) cho hàng vạn lao động địa phương. Trước khi ảnh hưởng của đại dịch, điểm đến ven biển cực Nam Trung bộ có 580 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động với tổng số hơn 16.400 phòng và giữ vững mức tăng trưởng ấn tượng. Như giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách đến Bình Thuận tăng ổn định với mức bình quân 11,2%/năm và tính riêng năm 2019 đã đón trên 6,4 triệu lượt khách, tăng gần 1,9 triệu lượt so với năm 2016. Trong đó mỗi năm bình quân lượng khách quốc tế tăng 13,45% và khách nội địa tăng 10,93%, còn doanh thu từ du lịch tăng bình quân 18,7%.

Đà tăng trưởng của ngành kinh tế thế mạnh chỉ bị chặn lại kể từ khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và lây lan nhanh chóng, vì vậy năm nay không tổ chức hoạt động du lịch hè cũng như du lịch dịp lễ 2/9 sắp tới (kéo dài 4 ngày, từ 2 - 5/9/2021). Nhưng với các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 đang triển khai ở mức cao nhất, quyết liệt nhất trên toàn quốc thì chúng ta vẫn hy vọng sẽ có mùa du lịch Giáng sinh và năm mới 2022. Và khi mọi hoạt động của nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, du lịch Bình Thuận không những chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất mà còn đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng để sẵn sàng đón phục vụ đông đảo du khách khắp nơi... 

QUỐC TÍN