Ý tưởng xanh cho đảo ngọc Phú Qu
Ý
tưởng xanh cho đảo ngọc Phú Quý
BT- Đến Phú Quý, du khách sẽ không chỉ ngỡ ngàng với thiên nhiên tươi đẹp, mà ở
đó luôn có những điều mới mẻ để khám phá. Đảo ngọc Phú Quý đang được du khách
thích thú với những địa điểm lạ mắt, tươi tắn như một niềm tin được gởi trao, từ
tinh thần tình nguyện của những con người trẻ, đang đóng góp sức mình xây dựng
quê hương…
Công trình “không
tên”
Đến khu vực kè Bãi Lăng (thuộc thôn
Thương Châu, xã Ngũ Phụng), du khách sẽ chìm đắm trong địa điểm check in độc
đáo, lạ mắt với gam màu tươi trẻ. Công trình không tên ấy, được khởi nguồn từ
các bạn đoàn viên thuộc Xã đoàn Ngũ Phụng. Bí thư Xã đoàn Nguyễn Thị Thơm, cho
biết: Trong Tháng thanh niên vừa rồi, tụi em có vẽ các bức tranh dọc bờ kè để
tuyên truyền cho người dân bảo vệ môi trường biển. Sau đó, Huyện đoàn có kế
hoạch làm vệ sinh môi trường cùng với tổ chức Greentrips ra quân làm sạch biển,
Ban Thường vụ Huyện đoàn có đề ra hoạt động song song với làm vệ sinh, trong đó
là vẽ tranh tuyên truyền tại khu vực này. Được Đảng ủy xã ủng hộ, nên Xã đoàn tự
lên ý tưởng và thực hiện. Ban đầu mục đích làm sao vừa đẹp, vừa tạo điểm nhấn
cho địa phương, vừa tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
biển.
Bản thân các bạn đoàn viên cũng
không nghĩ một phần công trình được thực hiện bước đầu đã tạo được thích thú
không chỉ cho người dân địa phương, mà ngay cả khách du lịch cũng dành nhiều
thiện cảm và khen ngợi. “Công trình dự kiến dài tối đa 200 m. Hiện nay, đây là
điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất trên đảo Phú Quý, nên tụi em cũng cố gắng vừa tuyên
truyền bảo vệ môi trường biển, vừa làm điểm check in phụ cho khách du lịch. Bây
giờ du lịch là một phần phát triển kinh tế - xã hội của đảo, nên du khách đến
ngày càng đông hơn, đây cũng là động lực giúp các bạn đoàn viên đóng góp sức
mình” - Nguyễn Thị Thơm chia sẻ thêm.
Hiện tại công trình chỉ mới hoàn tất
được một phần, với kinh phí ít ỏi từ các mạnh thường quân ở địa phương. “Hiện
khó khăn chính là người vẽ. Vừa rồi chỉ có thầy mỹ thuật tình nguyện vẽ để đóng
góp cho địa phương, nên cũng mất khá nhiều thời gian, vì công việc thầy cũng
nhiều. Nhiệm vụ của các bạn đoàn viên chính là sau khi được phác họa, đoàn viên
sẽ sơn nền và sau đó thầy sẽ vẽ chỉnh sửa lại” - Thơm nói. Thầy vẽ “miễn phí”
là thầy Lê Quang Liêu - giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Long Hải.
Mua sơn “chịu” để
vẽ
Nhìn một phần công trình đã hoàn
tất, sự đóng góp của các bạn đoàn viên khi thực hiện, ít ai hiểu được để có nó,
các bạn đã tận dụng uy tín của mình “mua chịu” tiền sơn để hoàn thành. Dù cũng
có mạnh thường quân “đánh tiếng” ủng hộ 10 triệu đồng cho công trình, nhưng vì
điều kiện nào đó, chưa thể hỗ trợ kịp thời, chỉ có 1 người dân đã hiểu và chia
sẻ được 2 triệu đồng. “Dạ tụi em mua chịu sơn để làm, cũng gần 7 triệu đồng,
chưa kể nước uống cho các bạn tham gia thực hiện công trình. Khi nào có tiền ủng
hộ thì thanh toán, trước mắt cứ cố gắng thực hiện công trình trước, cũng được
gần 70 m rồi” - Thơm vừa cười, vừa nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thái
Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Phụng, cho biết: Đây là ý tưởng rất tốt, tôi
đánh giá cao về ý nghĩa của công trình, sẽ giúp cho địa phương, người dân nâng
cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh cho du lịch
Phú Quý. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là nguồn lực yếu nên chưa thể hoàn thành
công trình được, nguyên vật liệu phải mua thiếu để làm. Trong thời gian tới,
Đảng ủy sẽ cố gắng động viên để công trình hoàn thành như ý tưởng ban đầu. “Một
khó khăn khác mà Đoàn thanh niên gặp phải đó là nguồn lực, nhất là họa sĩ. Hiện
trên đảo chỉ có 1 họa sĩ, nhưng phụ thuộc vào thời gian nên cũng phần nào ảnh
hưởng tiến độ công trình” - ông Đỗ Thái Thanh, cho biết thêm.
Những đóng góp thầm lặng mà đáng
trân trọng của những con người trẻ tuổi nơi đảo xa, đã thể hiện tình yêu quê
hương và không gì khác là sự phát triển của đảo ngọc ngày mai.
Quang Nhân