Bình Thuận khai thác văn hóa dân

Bình Thuận khai thác văn hóa dân gian phát triển du lịch

BTO- Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, Bình Thuận còn sở hữu tài nguyên nhân văn hấp dẫn và phong phú, trong đó có văn hóa dân gian hướng đến da dạng các loại hình du lịch, thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

Hướng dẫn tham quan nghề làm nước mắm truyền thống.

Văn hóa biển độc đáo

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Bình Thuận là một trong những địa phương biển có nền văn hóa dân gian “đậm đặc” miền biển với nhiều loại hình di sản văn hóa biển độc đáo có thể đưa vào khai thác du lịch, đó là tín ngưỡng dân gian, nghề truyền thống và ẩm thực biển.

Tín ngưỡng dân gian nổi bật ở Bình Thuận là tín ngưỡng thờ cá Ông với hệ thống 26 lăng, dinh, vạn (nhiều nhất các tỉnh Nam Trung bộ), trong đó chỉ riêng huyện đảo Phú Quý đã có 9 lăng thờ thần Nam Hải - huyện đảo có mật độ lăng cá Ông nhiều nhất nước. Về niên đại, có những lăng, vạn được thành lập rất lâu như vạn Thủy Tú (1762) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1996; lăng An Thạnh - Phú Quý (1781), lăng Thạch Long - Phan Thiết (1795). Trong số đó, vạn Thủy Tú có 24 sắc phong của triều Nguyễn là nơi lưu giữ gần 100 bộ xương cá Ông và nhiều loại khác cùng họ, hơn nửa trong số đó có niên đại từ 100 - 150 năm.

Trên địa bàn huyện đảo Phú Quý, ngoài các bản văn tế nói đến các vị thần linh như thầy Nại, công chúa Bàn Tranh, bà chúa Ngọc hay thần phò trợ cho nghề nghiệp như bà Tằm, trong dân gian còn lưu trữ khá nhiều văn tế chữ Hán như: Nam Hải văn, Nam Hải bổn mạn ký văn, Thừa ân Nam Hải văn, Cáo cựu thần Nam Hải nhập liệm tân vị văn. Ở Hòn Tranh có huyền thoại về vũng phật và vạn thờ 77 bộ xương cá voi và các loài cá lạ khác mà người dân gọi chung là thần Nam Hải. Trên đảo hòn Bà (La Gi), từ đầu thế kỷ 18, người Chăm đã dựng ngôi đền thờ Nữ thần Thiên Y A Na - mẹ xứ sở, vị thần bảo trợ cho dân chúng làm ăn trên biển và là nơi neo đậu tâm linh của nhiều thế hệ cư dân.

Bình Thuận hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số nghề truyền thống, mà nổi tiếng nhất là nghề làm nước mắm với danh xưng một thời “thủ đô của nước mắm”. Cùng với nước mắm, nghề biển còn tạo ra một số nghề truyền thống như trước đây là nghề làm thúng chai, nghề xảm thuyền, đóng thuyền và bây giờ là nghề nuôi cá lồng bè. Đây là một trong những nghề nuôi hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như cá bóp, cá mú, tôm hùm gắn với mô hình du lịch homestay trên biển, thu hút ngày một nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ngoài ra, gắn với nghề truyền thống còn có những tập tục liên quan đến nghề như tục cúng nghề làm nước mắm, kiêng cử liên quan tập tục thờ cá Ông...  

Ẩm thực miền biển phong phú và đậm đà hương vị là một nét riêng níu chân du khách với các món ngon được nhiều du khách ưa chuộng như mực một nắng, sò điệp, cua huỳnh đế, gỏi ốc giác, gỏi cá đục, chả cá, canh chua cá bóp, cá bùng binh nấu cà ri, cá bò hòm hấp, răng mực, cá lồi xối mỡ... Cùng với đó, tiềm năng văn hóa dân gian Chăm lại là thế mạnh khác để phát triển du lịch. Cùng với di tích đền tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết) còn có đền tháp Pô Đam gắn với nhiều làng Chăm Bắc Bình, hay kho mở Hoàng tộc Chăm và những đền thờ kít vua Chăm. Những di tích này kết hợp với các lễ hội dân gian như Katê, Ramưwan hay làng nghề gốm, nghề dệt truyền thống cũng góp thêm bản sắc riêng của du lịch Bình Thuận.

Nét riêng du lịch Bình Thuận

Cùng với tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian của một vùng đất cũng đang hấp dẫn nhiều đối tượng khách. Để khai thác lợi thế độc đáo của văn hóa dân gian miền biển phục vụ phát triển du lịch, ngành du lịch Bình Thuận cần có nghiên cứu “dài hơi” về vốn di sản văn hóa dân gian của mình. Thông qua chương trình kiểm kê, đánh giá các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể làm cơ sở lựa chọn, xây dựng thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm ẩm thực, làng nghề, lễ hội truyền thống.

Bên cạnh việc đưa thêm nhiều món ăn đặc sản biển (và các món dân gian như bánh quai vạc, bánh rế, cốm, bánh căn, bánh xèo...) vào thực đơn tour du lịch để giới thiệu đến du khách, nhất thiết tổ chức cho du khách khi đến Bình Thuận phải tham quan các làng nghề địa phương như nước mắm Phan Thiết, lồng bè hải sản Phú Quý, vườn thanh long Hàm Thuận Nam, câu mực đêm Tuy Phong. Đồng thời, kết nối các lễ hội truyền thống địa phương vào tuyến tham quan, nhất là những lễ hội mang màu sắc văn hóa biển như lễ hội Cầu Ngư, đua thuyền trên sông Cà Ty, dinh Thầy Thím, Nghinh Ông, Trung Thu, Katê. Khách không chỉ trải nghiệm những nét độc đáo của lễ hội mà còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật gắn với các lễ hội như hò bả trạo, múa dân gian Chăm.

Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa dân gian gắn với du lịch qua đó làm mới sản phẩm du lịch. Mặc dù đã có Bảo tàng Nước mắm nhưng cần thiết phải có thêm Bảo tàng Văn hóa biển để lưu giữ và giới thiệu đến du khách các di sản văn hóa miền biển, văn hóa vật thể (di tích, ghe thuyền, ngư lưới cụ...) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, ẩm thực...). Việc trưng bày, giới thiệu những vốn quý này không chỉ có lợi ích lâu dài trong việc quảng bá du lịch, mà còn bảo tồn, phát huy được di sản văn hóa, tăng thêm thu nhập cho người dân, giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

Văn hóa dân gian là những vốn sống từ dân dã, để người dân và du khách trải nghiệm thực tế nên phù hợp với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa truyền thống. Cùng với sự hấp dẫn của “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, tăng cường giới thiệu, quảng bá những nét độc đáo riêng có của văn hóa dân gian miền biển, du lịch Bình Thuận không chỉ có thêm nhiều sản phẩm mới để mời gọi khách đến mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn từ sự sống động của biển - cát - nắng cho đến sự kỳ thú của văn hóa dân gian miền biển. Và thương hiệu Mũi Né - Bình Thuận sẽ ngày càng nổi tiếng, khẳng định con đường phát triển xanh và bền vững trong năm mới 2021 cũng như những năm tiếp theo.

Nguyên Vũ