La Gi
La Gi: Tận dụng tiềm năng phát triển du lịch
BT- Có 28 km chiều dài bờ biển và sở
hữu nhiều di tích, thắng cảnh nên du lịch - dịch vụ là một trong những ngành
kinh tế mũi nhọn được La Gi quan tâm phát triển song song với kinh tế biển. Thời
gian qua, địa bàn thị xã đã thu hút hàng chục dự án trên lĩnh vực du lịch và
hiện có 33 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 3.460 tỷ đồng
(trong số đó có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 21 dự án đang triển khai). Đến
nay, La Gi cũng triển khai quy hoạch 4 điểm du lịch cộng đồng, gồm: Ngảnh Tam
Tân và điểm du lịch Hiệp Tiến - xã Tân Tiến, Đồi Dương - phường Bình Tân, Cam
Bình - xã Tân Phước.
|
Du lịch cộng đồng - loại hình được quan tâm phát triển trên địa bàn
La Gi. |
Nhằm tạo điều kiện phát triển du
lịch bền vững, thị xã La Gi đã triển khai thi công hoàn thành 2 tuyến đường lớn
ven biển là đường Lê Minh Công và đường Hùng Vương. Thực hiện lắp đặt hơn 100
trạm BTS, mạng truyền dẫn cung cấp dịch vụ Internet cáp quang, truyền hình
cáp... giúp hệ thống thông tin liên lạc phủ sóng toàn thị xã. Cùng với đó, địa
phương còn xây dựng và đưa vào sử dụng 3 trạm cứu hộ bố trí tại bãi tắm thu hút
đông du khách như Ngảnh Tam Tân, bãi tắm Đồi Dương và bãi tắm Cam Bình. Xúc tiến
thành lập 3 đội cứu hộ, cứu đuối tại các trạm cứu hộ và trang bị phương tiện,
dụng cụ phục vụ cho công tác này (áo phao, dây phao, phao cứu sinh, gậy cứu hộ,
phao tiêu, cờ hiệu, ca nô...).
Được biết, đề án quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định
thị xã La Gi phát triển du lịch theo hướng: “Văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; du lịch
nghỉ dưỡng sinh thái biển - hồ cảnh quan và vui chơi giải trí”. Bởi nơi đây hiện
có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là dinh Thầy Thím và đình - vạn
Phước Lộc và 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Dốc Ông Bằng, Hòn Bà, Vạn Tân
Phú) cùng nhiều thắng cảnh khác. Đặc biệt trong đó, lễ hội văn hóa du lịch dinh
Thầy Thím được xem là 1 trong 6 lễ hội lớn của tỉnh Bình Thuận, thu hút hàng
trăm ngàn lượt du khách mỗi năm.
Tận dụng tiềm năng phát triển du
lịch, thị xã luôn tích cực kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để mời
gọi các nguồn lực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ
và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Vì vậy ngoài sản phẩm du lịch tham quan dã
ngoại, văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng và ẩm thực thì hiện nay La Gi cũng có thêm
một số sản phẩm mới. Có thể kể đến: Cắm trại dã ngoại dưới hình thức ngủ lều, du
lịch xanh, nghỉ dưỡng tại nhà vườn (homestay)... tạo sự gắn kết giữa du khách và
người dân thông qua các hoạt động tham quan thực tế.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thị
xã, đến nay trên địa bàn La Gi có gần 100 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 1.830
phòng, 25 nhà lá và 60 lều trại có tổng sức chứa khoảng 4.790 khách/đêm. Trong
số các cơ sở kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú tính đến thời điểm này đã có
5 cơ sở được cấp thẩm quyền xếp hạng từ 1 - 4 sao… Và với tiềm năng du lịch dần
được khai thác hiệu quả, lượng du khách đến La Gi tăng đều qua mỗi năm, ước tính
bình quân thị xã đón khoảng 300.000 lượt/năm, riêng khách lưu trú chiếm khoảng
40% tổng lượt du khách.
Để phát huy thế mạnh của ngành kinh
tế mũi nhọn, La Gi sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp cải thiện môi trường
đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Nhất là tháo gỡ
vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và khuyến khích
tham gia vào những dự án du lịch trọng điểm, sản phẩm đặc thù của thị xã. Đồng
thời tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch
La Gi an toàn, thân thiện, hấp dẫn gắn với các giá trị di tích lịch sử, văn hóa
của địa phương…
Đ.QUỐC