Quản lý khu du lịch quốc gia

Quản lý khu du lịch quốc gia: Mũi Né cần mô hình phù hợp và hiệu quả

BT- Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) về việc công nhận Khu du lịch Mũi Né là khu du lịch quốc gia vừa diễn ra vào cuối tháng 10/2020 tại TP. Phan Thiết. Như vậy đến nay trên cả nước, trong số hàng chục khu du lịch, hiện đã có 22 địa điểm lập quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia được phê duyệt và có 5 khu du lịch được cấp thẩm quyền công nhận. Bao gồm các khu du lịch quốc gia: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh) và Mũi Né (Bình Thuận). Đối với khu du lịch quốc gia, do Chính phủ chưa quy định về mô hình quản lý nên các địa phương gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai và mỗi nơi có một mô hình quản lý riêng tùy vào điều kiện thực tế.

Hội thảo Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia vừa được tổ chức tại Mũi Né - TP. Phan Thiết.

Chính vì vậy, vừa qua, Bộ VH, TT & DL phối hợp UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia ngay tại Mũi Né - TP. Phan Thiết. Đó thực sự là cơ hội quý để các tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng, sâu kỹ từ các chuyên gia, nhà khoa học về mô hình này. Qua đây, Ban Tổ chức hội thảo cũng tiếp nhận những ý kiến tham luận, đóng góp trí tuệ, tâm huyết, thẳng thắn, khách quan về thực trạng công tác quản lý khu du lịch quốc gia, làm cơ sở để đề xuất mô hình quản lý khu du lịch quốc gia phù hợp. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu du lịch quốc gia cũng như chất lượng sản phẩm du lịch, góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, mô hình quản lý các khu du lịch quốc gia hiện nay rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trực thuộc UBND cấp tỉnh. Với thuận lợi và khó khăn riêng, có mô hình đi vào hoạt động mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch, nhưng cũng có mô hình còn chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản lý… Từ thực trạng đó, Tổng cục Du lịch đã đề xuất thành lập đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia với một số đặc điểm về loại hình, tên gọi, vị trí, cơ chế tài chính, chức năng - nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Trong đó, loại hình là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên và tên gọi là ban quản lý khu du lịch quốc gia gắn với tên gọi của khu du lịch…

Riêng với Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trải dài ven biển từ xã Hòa Phú (Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là 1.000 ha. Đến nay, Khu du lịch quốc gia Mũi Né có 429 cơ sở lưu trú với 13.946 buồng (chiếm hơn 90% số cơ sở lưu trú toàn tỉnh) và có 229 cơ sở được xếp hạng… Theo Sở VH, TT & DL, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, tuy nhiên chưa thành lập được Ban quản lý Khu du lịch quốc gia. Thế nên Khu du lịch quốc gia Mũi Né hiện có 2 ban quản lý gồm: Ban quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (trực thuộc UBND TP. Phan Thiết) và Ban quản lý điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng (trực thuộc UBND huyện Bắc Bình).

Thực tế cho thấy, việc quản lý các hoạt động du lịch theo như chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian qua của 2 ban quản lý chưa được thực hiện đầy đủ, chủ yếu trên các lĩnh vực an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý điểm đến. Bên cạnh đó do thiếu nhân sự và phải quản lý địa bàn quá rộng với bờ biển trải dài trên 40km, nên việc quản lý chỉ tập trung ở một số điểm du lịch đông du khách như Đồi Cát Bay, Suối Tiên, bãi tắm Đá Ông Địa, Hòn Rơm, Bàu Trắng… Vì vậy, mô hình quản lý cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế, đặc biệt đối với Khu du lịch Mũi Né là một khu du lịch nằm trên địa giới hành chính của 3 địa bàn là TP. Phan Thiết, huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong.

Du lịch Bình Thuận vừa ghi dấu chặng đường 25 năm hội nhập và phát triển, cùng với việc Mũi Né chính thức được công nhận khu du lịch quốc gia là tín hiệu lạc quan cho chặng đường phía trước. Thêm một mô hình quản lý hiệu quả và phù hợp điều kiện địa phương được triển khai, tin rằng Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ góp phần sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận, tiếp tục khẳng định Bình Thuận là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam…

QUỐC TÍN