Du lịch Bình Thuận

Du lịch Bình Thuận: Chặng đường 25 năm phát triển

BTO- Kể từ sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995, vẻ đẹp hoang sơ của vùng biển Mũi Né – Bình Thuận bắt đầu được khám phá. Sau 25 năm phát triển, với những bước tiến dài và bền vững, du lịch không chỉ trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Thuận mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Địa danh Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, là “thủ đô resort” của Việt Nam, là nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách. Với khí hậu nắng gió nhiều, mưa bão ít, rất phù hợp với các môn thể thao biển được du khách yêu thích như: lướt ván buồm, lướt ván diều. Bên cạnh đó, còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như đồi cát bay, tháp Pô Sah Inư, Bàu Trắng, Bảo tàng Nước mắm, Lâu đài Rượu vang, Suối Tiên...

Xem clip tại đây

Ngoài khu vực du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, Bình Thuận còn được biết đến với một vành đai phát triển du lịch khác là Phan Thiết – Hàm Thuận Nam - La Gi. Ở vành đai này, dù phát triển sau, nhưng việc sở hữu nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đậm chất văn hóa lịch sử bản địa như Dinh Thầy Thím, Núi Tà Cú, Hải đăng Kê Gà, hay cuộc sống của những làng chài ven biển,…cũng khiến du khách thích thú và muốn trải nghiệm.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số hơn 16.100 phòng, đã có 79 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 5.754 phòng. Các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng chú ý đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng các dịch vụ giải trí, ăn uống nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, để tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc sắc, ngoài thế mạnh du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao, sinh thái khám phá đồi cát, các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và khai thác thêm các sản phẩm văn hóa, nhất là văn hóa Chăm, du lịch gắn với cộng đồng, làng nghề, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội… Cùng với đó, Bình Thuận chú trọng liên kết vùng với tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, để tạo ra những tour, tuyến du lịch đặc trưng, mang tính liên kết vùng như: Hoa Đà Lạt - Chợ Bến Thành - Biển Mũi Né,...

Với những tiềm năng và sức hấp dẫn đã được khẳng định, những năm qua, tốc độ tăng trưởng đối với 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành du lịch là thu hút khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch luôn duy trì ở mức cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 tăng 10 – 12%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 tăng 18%/năm; đến năm 2020, thu hút 7 triệu lượt khách, đóng góp 10% GRDP của tỉnh. Cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin vui đến, khi ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký Quyết định số 2354 công nhận Khu du lịch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia. Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, có diện tích 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là 1.000 ha.

25 năm phát triển cùng quê hương, du lịch Bình Thuận đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hướng đến những tầm cao mới. Đó không chỉ là một thương hiệu du lịch thể thao biển đẳng cấp, một điểm đến hấp dẫn của mọi du khách…mà du lịch Bình Thuận xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thanh Nhàn – Ngọc Lân