Du lịch xanh

Du lịch xanh

Bài 1: Ưu thế du lịch biển, đảo

Bài 2: Định vị thương hiệu

BT- Như hiện tại, không ít doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ làm giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với các nhà vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao.

Trước hết, hòa hợp thiên nhiên

 Bây giờ, nói đến biến đổi khí hậu là ai ở Bình Thuận cũng nhận diện rất cụ thể qua tình trạng sạt lở bờ biển, thủy triều dâng, bão, lũ quét, ngập lụt… vì sự xuất hiện của chúng không còn theo quy luật tự nhiên vốn có. Với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng ven biển nên phải nói rằng khi biến đổi khí hậu hoành hành sẽ tác động trực tiếp, làm giảm chất lượng phục vụ, cản trở hoặc làm tăng chi phí các hoạt động du lịch. Nhưng suy cho cùng hậu quả ấy có góp phần tạo ra từ chính các hoạt động du lịch phát triển mạnh, nhưng không chú ý đến môi trường khiến làm gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, kéo theo làm gia tăng rác thải, nước thải, từ đó cũng làm tăng lượng phát thải khí nhà kính…

Những ai chứng kiến sự đổi thay ở các vùng du lịch, nổi tiếng như Hàm Tiến – Mũi Né sẽ nhận thấy điều đó ít nhiều. Bên cạnh xuất hiện những chuỗi dịch vụ liên quan, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập người dân là những xung đột, mâu thuẫn trong quy hoạch du lịch với các ngành nghề khác như khai thác titan, chế biến hải sản, có lúc gây ảnh hưởng gay gắt đến phát triển du lịch. Hay những bất cập chưa giải quyết kịp như hệ thống thu gom nước thải có chỗ chưa hoạt động tốt rồi rác thải ngoài biển dạt vô bờ nhiều, có lúc chưa được thu gom thường xuyên, ảnh hưởng đến du khách tắm biển... Chung quy lại, ngoài nguyên nhân khách quan thì phải ghi nhận rằng ý thức của người dân và một số doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường chưa tốt lắm.

Đó cũng là tình hình xảy ra không chỉ ở Bình Thuận. Vì vậy, trong những năm gần đây, tại các hội nghị liên quan, các chuyên gia khuyến cáo cần xanh hóa nền du lịch để có thể giúp giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải và nâng cao giá trị của đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản. Và việc xây dựng mô hình du lịch hướng tới sự tăng trưởng xanh theo hướng bền vững được ví như một nước đi quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành các văn bản pháp quy về ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan tới bảo tồn di tích và phát triển du lịch. Nổi bật là quyết định phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trong đó quy định nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch là xây dựng mô hình thí điểm “Du lịch xanh”, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bình Thuận. Tiếp đó là kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó quy định nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu...

Có rất nhiều việc phải làm để tạo ra kết quả cuối cùng là giảm thiểu phát thải nhà kính thông qua các khuyến khích, cụ thể như ứng dụng các công nghệ làm giảm tiêu thụ năng lượng, tái sử dụng chất thải, phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường…Nhất là Bình Thuận hiện đã và đang thực hiện 2 đề án: Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển điểm du lịch quốc gia Phú Quý tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đó, sẽ có thêm nhiều công trình vừa phục vụ tốt hơn cho du lịch, vừa góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.   

Giá trị xanh

Không chỉ chính quyền, ngành chức năng có chương trình ứng phó trên để góp phần định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận trong lòng du khách mà mỗi một doanh nghiệp du lịch cũng có hành động cụ thể. Một số cơ sở du lịch cho biết, cuối năm ngoái, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phát động các doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ sở du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã thường xuyên thực hiện thu gom rác, phân loại rác thải, vệ sinh bãi biển, sử dụng vật liệu trong nhà hàng, buồng phòng như dùng ống hút, bao bịch giấy... tự hủy sử dụng một lần thay đồ nhựa, ni lon. Bên cạnh, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tái sử dụng nước thải đã xử lý trong việc tưới cây trong các khu du lịch, resort…

Trong khi đó, những doanh nghiệp du lịch khác với những resort có tiếng tại Hàm Tiến, Mũi Né cũng tự nỗ lực định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam từ lâu qua xây dựng du lịch xanh, không chỉ trong hòa hợp môi trường mà còn qua chất lượng phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực. Đó là trục chính, còn tùy theo từng giai đoạn mà sẽ sáng tạo ra những sản phẩm du lịch xanh khác nhau, cách làm khác nhau, những đòi hỏi yêu cầu khác nhau. Như hiện tại, không ít doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ làm giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với các nhà vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, có các doanh nghiệp đã lắp điện mặt trời tại resort để sử dụng điện sạch, đã mở các tour tham quan vườn thanh long sạch, đã xới lên làn sóng sản xuất sạch và kết nối… Không chỉ thế, còn xây dựng đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch xanh có trình độ, sự hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, xã hội, đa dạng sinh học...Phải thay đổi như thế, vì thực tế diễn ra đang ở thế cờ phải xanh hóa du lịch. Mặt khác, còn vì có minh chứng giá trị của du lịch xanh ấy qua Khu nghỉ Seahorse & spa tại Mũi Né.

Sau khi nhận giải thưởng Khách sạn Xanh ASean, đơn vị này tiếp tục củng cố hướng phát triển ấy ở tầm cao hơn. Thực ra, nghe qua Bộ tiêu chuẩn du lịch ASean, với 11 nhóm tiêu chí, 30 mục và 80 tiêu chí cụ thể, được các nước thành viên ASean xây dựng, ứng cử viên nào cũng lo. Nhưng các yếu tố cơ bản để đạt Khách sạn Xanh ASean, chỉ là kế hoạch bảo vệ môi trường, sử dụng các sản phẩm xanh và phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Trần Anh Thi - Khu nghỉ Seahorse & spa tại Mũi Né cho biết, việc xây dựng resort theo mô hình du lịch xanh đã được đơn vị định hướng ngay từ đầu. Khu nghỉ làm và đưa đến cho du khách những gì trong lành nhất mà thiên nhiên ban tặng, chứ không làm vì giải thưởng này, giải thưởng khác. Nhưng sau khi được giải thưởng trên, việc kinh doanh của đơn vị tự động tốt hơn, khách đến tăng và chủ yếu từ các nước phát triển, như: Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch… Điều chung họ cần khi đi du lịch là tăng sức khỏe, thêm tuổi thọ. Và chính Mũi Né, nơi được thiên nhiên ban tặng vô giá với những điều mà chính du khách cảm nhận sẽ đem đến cho họ sức khỏe, tuổi thọ. Hưởng ứng điều đó, đơn vị gắng làm tốt nhất theo mô hình du lịch xanh. Và từ đó đến nay, khu nghỉ có rất nhiều giải thưởng, bằng cấp và cup từ trong và ngoài nước cho các danh hiệu; riêng giải liên quan đến môi trường thì ngoài Khách sạn xanh, còn có Thương hiệu xanh.   

Thật đúng như các chuyên gia du lịch nhấn mạnh rằng giá trị xanh - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững là một trong những giá trị có thể phát huy để quảng bá đến du khách tạo nên thương hiệu du lịch. Và du lịch xanh ấy đâu chỉ đơn thuần là xanh từ thiên nhiên…

Bích Nghị

Bài 3: Đâu chỉ mỗi môi trường