Du lịch xanh

Du lịch xanh

Bài 1: Ưu thế du lịch biển, đảo

BT- Hầu như cơ sở du lịch nào, vùng du lịch nào cũng nỗ lực hướng đến màu xanh, màu của thiên nhiên, của văn hóa đặc sắc, của hiếu khách… và của biển xanh như ở Bình Thuận. Đó cũng là quan điểm chung của các nước ASEAN trong Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025, trong đó có nội dung ưu tiên phát triển du lịch xanh… 

Những bãi đá nhiều hình thù độc đáo nằm rải rác khắp nơi trên đảo Hòn Cau. Ảnh: N.Lân

Hòn Cau vẫy gọi

Đầu tháng 10 (DL) rơi vào giữa tháng 8 (AL), biển Hòn Cau (Phước Thể - Tuy Phong) êm ả, mặt nước cứ dập dềnh tựa như câu hát ru ầu ơ. Ngư dân phân tích rằng, đang giao mùa gió nên thế, khi gió tây nam đã lui nhưng gió đông bắc chưa kịp tới. Vì thế, biển êm và cũng vì thế, bên cạnh lý do dịch bệnh được khống chế, du khách đến đảo đã nhiều lên, mỗi ngày từ 100 - 150 khách, bắt đầu từ nửa cuối tháng 7 đến giờ. Tính chung 9 tháng năm 2020 có hơn 2.800 khách ra đảo, cao hơn cùng thời điểm năm trước 900 khách. Qua đó, mới thấy sức hút mãnh liệt của Hòn Cau đã kéo đến thời điểm này. Trên tàu du lịch ra đảo cùng chúng tôi, có 1 đoàn khách đến từ Hải Phòng hơn 10 người. Hành trình đoàn khách này đi nhiều chặng. Họ xuống Hà Nội, đi máy bay vào sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó lên xe vào bến cảng Liên Hương rồi ra đảo, rất thành thục, vì trong đoàn có người đã từng đến Hòn Cau. Nhìn họ, ai cũng háo hức, có lẽ vì đi du lịch khám phá biển, đảo là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào này. Và cũng vì Hòn Cau đang hiện rõ mồn một phía trước. Chỉ sau 20 - 25 phút, tàu đã đưa chúng tôi đặt chân lên đảo. Cảnh tượng thấy trước mắt như là công viên đá, đá lớn, nhỏ, tròn, dài, cao đủ kiểu; đá nằm, ngồi, đứng đủ hình dáng bên bờ sóng, đón chào du khách. Và mô hình về những chú rùa biển, một hoạt động nổi bật, cụ thể cho sự bảo tồn biển ở đây kéo dài mấy năm qua cũng chào đón khách với sự tươi sắc, vui nhộn.

Bây giờ, trên đảo đã có riêng khu cho rùa biển nhân dân số của chúng theo từng ngày. Đồng hành cùng chúng có 1 đội tuần tra, kiểm soát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cùng các tình nguyện viên từ các nơi trong cả nước đến cứu hộ rùa lên bờ sinh sản; tiến hành di dời các ổ trứng về bãi ấp an toàn và thả về biển khi rùa con nở. Chưa hết, hoạt động này còn có sự phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và hơn tất cả có sự ủng hộ của những hộ dân đã ý thức không đánh bắt, nuôi nhốt và buôn bán rùa biển. Đó là một trong những kết quả mà thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung cho cán bộ và nhân dân ở các xã có liên quan xung quanh các quy định xử phạt khi vi phạm quy định trong Khu bảo tồn biển, cũng như nội dung về đề án du lịch sinh thái và tác hại của rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đối với đại dương. Song song đó, du khách nào lên đảo cũng được nhắc nhở bảo vệ môi trường.

Nhờ vậy, Hòn Cau xanh, sạch, đẹp, dù tàu du lịch chở khách ra đảo đã hoạt động từ năm 2013 và hàng năm, cứ vào tháng 4 âm lịch, lễ hội Cầu ngư diễn ra trên đảo thu hút hàng ngàn người tìm đến. Đảo rộng 140 ha nằm trong diện tích khoảng 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau nhưng chỉ đi theo tuyến đường chính lẫn lối mòn trên đảo thì đã có cảm nhận như trên. Đều không có chút rác nào, dù trên đảo toàn cây bản địa lúp xúp thường hay bị vướng rác nhưng tuyệt nhiên không có. Thêm nữa, trên đảo trời nắng gần như suốt 8 giờ trong ngày, đây lại là loại du lịch khám phá nên du khách sẽ uống nước liên tục nhưng trên suốt đường đi không có lấy một chai nhựa đựng nước nào rơi vãi. Trên bờ như thế nên dưới biển chắc chắn cũng đa dạng sinh học với hơn 200 loài san hô tạo rạn, hơn 300 loài cá… như đánh giá của Viện Hải dương học Nha Trang vào năm 2009, thời điểm Khu bảo tồn biển Hòn Cau chuẩn bị được thành lập. Tất cả là lý do, vào tháng 12/2019 rồi, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận”.  

Nhân tố triển vọng

Theo đề án trên, tại Hòn Cau sẽ hình thành các sản phẩm du lịch tập trung vào khám phá cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp hoang sơ của đảo; khám phá đại dương bằng thuyền đáy kính hoặc lặn ngắm các rạn san hô, sinh vật biển và các đàn cá đa sắc màu; tìm hiểu về rùa biển, các hoạt động bảo tồn rùa biển gồm đẻ trứng, ấp trứng, thả rùa con về với biển…Nhưng đồng thời cũng khống chế số lượng khách lên đảo không quá 200 lượt khách mỗi ngày vào các ngày bình thường; không quá 250 lượt khách mỗi ngày vào các dịp lễ, tết. Qua đó thấy rõ mục tiêu rằng phát triển du lịch trên đảo có sự tham gia của cộng đồng, nhằm tạo sinh kế cho người dân nhưng nhiệm vụ chính vẫn là bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để từ đó, tạo ra những giá trị khác. Chẳng hạn như khuyến khích hình thức du lịch đoàn cho học sinh, sinh viên tham quan, khám phá đảo, nhằm giúp các em hiểu thêm về lợi ích của công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như kết hợp giáo dục về truyền thống yêu nước và nhiệm vụ của thế hệ trẻ trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển. Hay Hòn Cau sẽ tạo thêm điểm đến độc đáo cho du khách trong chuỗi các điểm đến hấp dẫn của tỉnh…

Hiện Khu bảo tồn biển Hòn Cau đang tiến hành các bước để triển khai thực hiện đề án du lịch, nhất là hạ tầng kỹ thuật và nhân lực. Ngay cả với chủ phương tiện chuyên chở khách, phải trang bị cho nhân viên hiểu biết về bảo tồn biển cùng tất cả các kỹ năng liên quan. Và những gì đã gầy dựng lâu nay ở Hòn Cau là tiền đề hứa hẹn trong tương lai không xa, khi du lịch trên đảo phát triển chỉn chu theo đề án thì đảo là nhân tố triển vọng cho giải thưởng Du lịch Bền vững ASEAN. Điều này không quá xa vời, vì năm 2018, Việt Nam có Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) được giải thưởng trên và những tiêu chuẩn đặt ra cũng xoay quanh môi trường sạch, giữ gìn văn hóa bản địa, các món ăn đặc sắc, người dân mến khách… Hơn nữa, lùi lại mấy năm trước, tại Bình Thuận đã có Khu nghỉ Seahorse & Spa (Hàm Tiến – TP.Phan Thiết) được giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN 2012.  Đây là 1 trong 10 khách sạn của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng thời điểm đó, trên con số tuyển lựa từ 125.000 khách sạn và resort trên cả nước. Không chỉ thế, Bình Thuận được xếp là nơi có số khách sạn, resort nằm ven biển nhiều nhất và giữa chúng với sự cạnh tranh trong phục vụ khách cũng đã vô tình đạt nhiều giải thưởng, cúp trong nước trên các nội dung liên quan. Tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng là du lịch xanh, gắn với biển, đảo để mang lại sức khỏe, tuổi thọ cho du khách.

Du lịch Bình Thuận với chiều dài bờ biển nổi bật, cùng các vùng hải đảo chứa đựng đa dạng sinh học phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc và hạ tầng kỹ thuật du lịch hình thành trong 25 năm qua là ưu thế cho phát triển mô hình du lịch xanh, hướng đến du lịch Asean. Nhưng đồng thời đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt và du lịch đang hứng chịu với những trở ngại thấy trước mắt, liệu du lịch xanh có mở rộng ra thêm?  

Thực tế, vai trò du lịch biển xanh ấy đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: “Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.

BÍCH NGHỊ

Bài 2: Định vị thương hiệu