Mũi Né - hành trình khẳng định t

Mũi Né - hành trình khẳng định thương hiệu điểm đến

Bài 1: Đi lên từ bước ngoặt

BT - Từ một vùng đất có cảnh quan hoang sơ với tên gọi lạ tai, thế mà giờ đây Mũi Né đã trở thành địa danh quen thuộc, ngày càng khẳng định thương hiệu điểm đến hút khách. Nhưng đó là một hành trình hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có cả sự may mắn lẫn quyết tâm của địa phương và toàn ngành để đưa Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam…

Thương hiệu Mũi Né dần được khẳng định trên lĩnh vực du lịch.

Bước ngoặt từ… trên trời

Cách 1/4 thế kỷ về trước, Mũi Né được biết đến là một làng chài mộc mạc, hiền hòa ẩn dưới những rạng dừa xanh ngát, hướng ra biển Đông đón những làn gió mát lành. Ngày ấy, ngay cả người dân Phan Thiết nếu không có việc cần thiết cũng ngại tìm về nơi đây, bởi đường đi khó khăn phải vượt dốc, băng qua nhiều đoạn cát lún tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…Cũng ngày ấy, biển xanh - cát trắng - nắng vàng và những con thuyền dập dìu cập bến đầy cá tôm ở Mũi Né qua bao đời vẫn là hình ảnh trong cuộc sống thường nhật với người dân địa phương.

Thế nhưng, nhật thực toàn phần (ngày 24/10/1995) đi qua Phan Thiết được thế giới quan tâm bất ngờ tạo ra bước ngoặt quan trọng, khi mà thị xã nhỏ chưa định hướng phát triển du lịch lại đón lượng khách đông đảo khác thường. Đó là cảnh tượng quá tải về chỗ ở, dịch vụ ăn uống không đáp ứng kịp nhu cầu và dòng người chen chân đổ về hướng biển, tìm lấy một chỗ đứng thuận tiện để chứng kiến sự kiện “cả đời có một”… Ngay sau bước ngoặt có phần may mắn, rất nhiều thông tin và hình ảnh ấn tượng tràn ngập trên các báo, đài trong nước lẫn quốc tế về nhật thực toàn phần ở Việt Nam, đi kèm với đó là cảm nhận khó quên ở nơi sở hữu cảnh đẹp hoang sơ nhưng rất lãng mạn. Điều này cũng khiến không ít nhà đầu tư tò mò, mong muốn tìm hiểu tiềm năng của vùng biển nhiệt đới đầy nắng gió, được ví như “viên ngọc thô” trên lĩnh vực du lịch lúc bấy giờ…

Tiếng lành đồn xa. Những năm cuối của thế kỷ 20 là thời điểm mà Bình Thuận bắt đầu tận dụng cơ hội, đón làn sóng đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp và được mệnh danh “Thủ đô resort” của cả nước. Thống kê đến nay, toàn tỉnh có gần 400 dự án đầu tư dịch vụ du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 69.845 tỷ đồng (có 22 dự án nước ngoài, có tổng vốn 11.231 tỷ đồng), trong đó 188 dự án đã đi vào hoạt động. Gần đây, du lịch Bình Thuận tiếp tục thu hút những dòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm như Tập đoàn FLC, Novaland, TMS, TTC... với tổng vốn đăng ký của mỗi dự án trên 10.000 tỷ đồng, quy mô từ 500 ha trở lên. 

Cầu tiến, không tự mãn

Hướng đến phát triển bền vững, du lịch Bình Thuận luôn chủ động tham gia nhiều sự kiện liên quan diễn ra trong và ngoài nước, từ đó tăng cường quảng bá “Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng” vốn dĩ bình thường nay đã là hình ảnh đặc trưng của ngành. Tận dụng lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, tài nguyên biển… địa phương và ngành cũng tích cực phối hợp tổ chức sự kiện ghi dấu ấn như Bình Thuận Hội tụ Xanh năm 2005, các giải mang tầm quốc tế (Giải lướt ván buồm Cúp Thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam, Festival Thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ I - VIHABF Bình Thuận…). Đồng thời ngành cũng tích cực tham gia hình thành tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận với thương hiệu chung là “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”.

Không tự mãn trước những bước tiến vượt bậc trên bản đồ du lịch Việt Nam, thời gian qua ngành du lịch địa phương còn tổ chức bằng hình thức hội thảo, tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp đưa điểm đến Bình Thuận phát triển bền vững. Đáng chú ý là hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” (tháng 9/2015). Tiếp đó là tọa đàm “Tổ chức sự kiện nhằm xây dựng thương hiệu Du lịch - Thể thao biển Bình Thuận” (tháng 10/2016), Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp quản lý các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” (tháng 10/2018)… Qua đó thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực du lịch và tiếp nhận các ý kiến, đề xuất giải pháp để kịp thời khắc phục cũng như định hướng khai thác hiệu quả xứng tầm tiềm năng, lợi thế du lịch địa phương.

Trên lĩnh vực này, UBND tỉnh cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm xây dựng, hình thành nét đẹp văn hóa, thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện…  

Trọng tâm là Mũi Né

Nói đến du lịch biển Bình Thuận, đa số du khách nội địa và quốc tế đều ấn tượng với thương hiệu Mũi Né. Vì vậy hầu hết các hoạt động, sự kiện liên quan du lịch địa phương cũng ít nhiều gắn với cái tên Mũi Né. Thế nên việc tập trung xây dựng thương hiệu Mũi Né nói riêng và điểm đến Bình Thuận nói chung luôn được tỉnh và ngành du lịch đặc biệt quan tâm… Còn nhớ tại Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp quản lý các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, có ý kiến cho rằng cần xúc tiến Điểm tham quan du lịch làng chài - Phố đi bộ kiến trúc cổ - Cột mốc Mũi Né và du lịch văn hóa tâm linh nơi đây. Riêng với “Cột mốc Mũi Né” sẽ thêm điều kiện hấp dẫn du khách bởi ý nghĩa về địa lý, lịch sử, tâm linh của tên gọi và những câu chuyện thú vị tại vị trí đó. Hơn nữa, Mũi Né được biết đến là trung tâm du lịch biển nổi tiếng tại Việt Nam và Bình Thuận, cho nên đa số du khách cũng muốn biết điểm “Mũi Né” chính xác là ở điểm nào?

Trong chiến lược phát triển, tỉnh cũng định hướng và quyết tâm đưa Mũi Né trở thành khu du lịch quốc gia, góp phần đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia… Tin vui đến với địa phương khi cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Vị trí được xác định là dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP.Phan Thiết) có diện tích 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000 ha… Đây cũng là cơ sở để phát triển bền vững Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan cũng như liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch trong tỉnh, vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ…

Đặc biệt, khi hình thành các phân khu du lịch chính của Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phân khu du lịch biển Mũi Né (khu vực Mũi Né và Hàm Tiến - TP. Phan Thiết, diện tích khoảng 340 ha) chính là phân khu cốt lõi. Khu vực này sẽ tập trung phát triển các không gian công cộng, kết hợp những mô hình khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm vui chơi giải trí, hoạt động về đêm…

Mục tiêu mà Khu du lịch quốc gia Mũi Né hướng tới là đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia và thu hút nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn. Bước đầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

QUỐC TÍN