Bình Thuận - vùng đất

Bình Thuận - vùng đất “vàng”

Bài 1: Nơi hội tụ vẻ đẹp của đất trời

Bài 2: Vùng đất giàu tiềm năng

BT- 25 năm trước, khi nói đến Bình Thuận người ta chỉ biết đến đặc sản nước mắm Phan Thiết, nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Sau ngày nhật thực toàn phần vào tháng 10/1995, vùng đất đầy tiềm năng này mới được đánh thức. Bình Thuận thu hút nhiều  du khách trong và ngoài nước muốn đến định cư và tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó, có những du khách ngoại quốc muốn định cư ở đây, nhưng vướng rào cản quy định của luật pháp.

Vùng đất giàu tiềm năng. Ảnh: Đình Hòa

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp...

Ngoài cảnh quan thơ mộng với bãi biển trải dài, cồn cát di động, Bình Thuận còn có các di tích văn hóa, lịch sử mang kiến trúc độc đáo như Lầu Ông Hoàng, chùa Cổ Thạch, cụm đền tháp Chăm PoshaInư, một quần thể di tích tháp Chăm cổ, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia... Trải qua 25 năm thăng trầm, đến nay du lịch Bình Thuận đã thực sự trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao thu hút đông du khách. Nếu như năm 1995 toàn tỉnh chỉ đón 53.200 lượt khách, đến năm 2018, lượng khách đến với tỉnh đạt 5,7 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 675.000 lượt.

Ngành du lịch đang tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo, hướng đến xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia như mục tiêu đã đề ra. Năm 2020 là năm buồn cho ngành du lịch cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Song bên cạnh nỗi buồn bao giờ cũng có niềm vui, Bình Thuận nhận tin vui Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia. Một  thông tin tích cực để tạo đà cho du lịch tỉnh tiếp tục “cất cánh” trong tương lai.

Bên cạnh tiềm năng du lịch, kinh tế biển, khoáng sản thì nông nghiệp, năng lượng cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Với nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 ha đất nông nghiệp, nhiều nơi sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả như thanh long, điều, bông vải, cao su, tiêu, nho... Những năm gần đây, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô doanh nghiệp và hợp tác xã như trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Nhiều dự án năng lượng đã được đầu tư, trong đó có trung tâm  nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời... Khi các nhà máy trung tâm  nhiệt điện vận hành hết công suất giai đoạn 2020 - 2030, tổng điện năng sản xuất của tỉnh sẽ tăng, không chỉ cung cấp nhu cầu về điện cho nhân dân trong tỉnh, mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Đến rồi chẳng muốn xa

Đi qua nhiều vùng, nghe những câu chuyện của người dân, du khách, nhà đầu tư… tôi mới nhận ra vùng đất Bình Thuận được nhiều người yêu thích. Họ yêu thích nhất là khí hậu quanh năm nắng ấm, mát mẻ. Tôi đặt mình vào họ, những người sống ở các nước phương Tây hay ở phía Bắc nước ta mới hiểu và cảm thông với sự khắc nghiệt của mùa đông. Để trốn cái lạnh, người phương Tây thường tìm đến miền đất ấm áp với ánh mặt trời để trú đông. Nói về cái lạnh quê mình, vợ chồng Dimitri - du khách Nga nghỉ dưỡng ở Sea Links chia sẻ với chúng tôi trong kỳ nghỉ 3 tuần năm ngoái. Mùa đông nước Nga rất lạnh, thỉnh thoảng nhiệt độ xuống - 40C. Mũi Né có khí hậu ấm áp, nắng gió thích hợp cho môn thể thao kate suffing. Tôi cũng biết ở đây có nhiều người trên thế giới chọn làm nơi trú đông, vì vậy chúng tôi quyết định đến đây”.

Nhiều du khách đến Bình Thuận nghỉ đông dài ngày. Ảnh: Đình Hòa

Mỗi năm Mũi Né đón hàng ngàn du khách quốc tế đến nghỉ đông. “Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối năm lượng du khách từ phương Tây đổ về đây nghỉ dưỡng hay còn gọi trú đông khá nhiều. Khách lưu trú đa phần dài ngày, có những người nghỉ hết mùa đông mới trở về nước”, chị Nga - nhân viên làm việc nhiều năm tại Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean chia sẻ. Hàm Tiến - Mũi Né đã và đang như một thế giới thu nhỏ với đủ sắc tộc, quốc tịch. Nhiều phụ nữ phương Tây thay vì mặc quần áo ấm và thu mình bên lò sưởi ở quê nhà thì ở Hàm Tiến - Mũi Né mặc bikini nằm phơi mình trên bãi biển đón ánh nắng mặt trời. Còn nhớ cách đây chưa lâu, ông Adrienne Michetti – người Canada, khi đến Mũi Né thấy khí hậu và con người ở đây hiền hòa. Ông đã đến Trung tâm Hành chính công tỉnh xin được định cư ở đây lâu dài và nếu được ông sẽ thuê 1 căn hộ ở Sea Links mở tiệm may quần áo bao gồm may đồ thể thao biển, nhưng không được vì luật pháp Việt Nam không cho phép.

 Hút nhà đầu tư

Nhiều nhà đầu tư cũng muốn về Bình Thuận nhưng vì đường giao thông không thuận. Tuy nhiên, khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP. Hồ Chí Minh đến Dầu Giây hoàn thành, rút ngắn thời gian đi từ Phan Thiết - TP.Hồ Chí Minh nhà đầu tư bắt đầu đổ về Bình Thuận. Nhiều dự án địa ốc, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời đang hình thành. Không ít người dân từ các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… đổ xô về mua đất nền, căn hộ của những dự án địa ốc.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả nước ngoài cũng đầu tư vào Bình Thuận. Ngoài những nhà đầu tư lớn, có những nhà đầu tư có vốn nhỏ cũng muốn đầu tư nhưng vướng rào cản luật pháp. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi quy định, người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với vốn góp dưới 3 tỷ đồng thì không được cấp thẻ tạm trú mà chỉ cấp thị thực có thời hạn 12 tháng. “Nhiều bạn bè của tôi muốn đầu tư ở Mũi Né nhưng khi xem Luật Nhập cảnh, xuất cảnh sửa đổi có vẻ ái ngại... Không ai dám mạo hiểm mang gần 3 tỷ đồng, tương đương với khoảng 130.000 USD đến Việt Nam đầu tư với thời gian thị thực quá ngắn. Vì đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào không phải sinh lợi ngay, mà phải mất nhiều năm mới thu lại vốn, hàng năm phải đi xin thị thực, thủ tục mất nhiều thời gian” - ông Chris Owen, quốc tịch Anh - nhà đầu tư nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ ăn uống ở Mũi Né cho biết.

Tại buổi làm việc đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng  nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập. Huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột công nghiệp năng lượng, chế biến; du lịch, thể thao biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ninh Chinh