Phú Quý – hấp dẫn với du lịch kh
Phú Quý – hấp dẫn với du lịch khám phá, tâm linh
BT- Phú Quý là huyện đảo
thuộc tỉnh Bình Thuận, có diện tích khoảng 18km² (kể cả các hòn đảo lẻ xung
quanh). Đảo Phú Quý cách Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100km) về hướng Đông
Nam, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng về tài nguyên thiên nhiên, cảnh vật hoang
sơ, hùng vĩ, con người dung dị, hiếu khách, nhiều món ăn rất ngon và lạ được chế
biến từ các loài hải sản tươi sống; đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích,
danh thắng, truyền thuyết và lễ hội truyền thống độc đáo, hấp dẫn có sức thu hút
du khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá.
|
Ảnh: Đ.Hòa |
Đến đảo Phú Quý, du khách có
dịp khám phá vẻ đẹp hoang sơ của ngọn núi Cấm ở xã Ngũ Phụng cao 108m với ngọn
hải đăng cao 28m làm phao tiêu cho tàu thuyền đi lại. Đặc biệt là vẻ đẹp hoang
sơ, hùng vĩ của ngọn núi Cao Cát ở xã Long Hải cao 85m, đây là ngọn núi san hô
bị sóng gió bào mòn thành những dãy bậc thang xoắn trôn ốc, trên núi có nhiều
mỏm đá và hang động nguyên sinh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, trải qua hàng ngàn năm
bị sóng và gió biển xâm thực, bào mòn đã tạo cho bề mặt của sườn núi tựa như
những lớp sóng trên đá, như sóng cát trên sa mạc. Trên sườn núi Cao Cát có ngôi
chùa Linh Sơn tọa lạc ở cao độ 61m cùng với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi đã
trở thành một kỳ quan độc đáo của đảo Phú Quý.
Xung quanh đảo chính có nhiều
hòn đảo lớn nhỏ tạo thành một quần đảo mà người dân địa phương quen gọi là những
“hòn lẻ” như: Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Trào… Lớn
nhất trong các hòn lẻ là Hòn Tranh cách đảo lớn khoảng 1km về phía Đông Nam có
diện tích 2,8km² - đây là nơi tắm biển, du ngoạn, khám phá nhiều điều kỳ bí, mới
lạ về kiến tạo địa chất mà du khách không thể bỏ qua khi đến Phú Quý.
Bên cạnh những vẻ đẹp của tự
nhiên đầy hoang sơ và kỳ bí, đến đảo Phú Quý còn có dịp chiêm ngưỡng, khám phá,
tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời mang tính độc đáo, riêng
biệt của con người nơi đây qua các di tích, danh thắng, truyền thuyết và lễ hội.
Toàn đảo có 25 cơ sở tín
ngưỡng, tôn giáo, trong số đó có 11 cơ sở được Nhà nước xếp hạng di tích, danh
thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chùa Linh Quang, vạn An Thạnh và đền thờ công
chúa Bàn Tranh là 3 di tích, danh thắng cấp quốc gia từ lâu đã trở thành điểm
đến nổi tiếng có sức hấp dẫn du khách khi đến đảo.
Chùa Linh Quang tọa lạc ở vị
trí rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh thuộc xã Tam Thanh, đây là ngôi chùa được
tạo lập sớm nhất trên đảo vào đời Cảnh Hưng năm thứ 8 (1747). Đặc biệt là ngôi
Bảo tháp 9 tầng cao 37m được coi là công trình nghệ thuật độc đáo, quy mô
và bề thế. Trên hải trình từ Phan Thiết ra đảo, cách Cảng Phú Quý
khoảng 2 hải lý có thể nhìn thấy rõ ngọn Bảo tháp của chùa Linh
Quang vút cao sừng sững, uy nghi như thách thức trước phong ba bão tố.
Vạn An Thạnh tọa lạc tại xã Tam Thanh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781) - sớm
nhất so với các ngôi lăng vạn khác trên đảo. Đây là nơi thờ phụng và thực hiện
các lễ nghi gắn với cá ông (cá voi) của ngư dân trên đảo. Tại vạn đang lưu giữ
gần 70 bộ xương cốt cá ông và các loài sinh vật biển khác gắn với tín ngưỡng ngư
nghiệp. Đặc biệt, năm 2011, Nhà nước đã đầu tư ngân sách để phục chế bộ xương
cốt cá voi (loài cá nhà táng) dài 18m và một số bộ xương các loài sinh vật biển
khác trưng bày tại vạn phục vụ du khách.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh ở
xã Long Hải do người Chăm tạo dựng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để tôn thờ
công chúa Bàn Tranh - người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương
thực, hoa màu và hướng dẫn người dân khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình
thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm các nghề thủ công… Với
những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và người Việt trên đảo Phú Quý
nói chung đã tôn vinh công chúa Bàn Tranh là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo. Hiện
nay, người dân trên đảo vẫn lưu giữ truyền thuyết kỳ bí, hấp dẫn về Bà.
Ngoài ra, hàng năm trên đảo
Phú Quý diễn ra nhiều lễ hội dân gian truyền thống như: Lễ Kỵ công chúa Bàn
Tranh (mùng 3 Tết Nguyên đán), lễ giao phiên Kỵ Thầy Nại (mùng 4 tháng tư Âm
lịch), lễ cầu ngư, lễ rước Ông Nam Hải, lễ tế thu và các lệ xuân cầu thu tế tại
các đình, chùa, đền, miếu, lăng vạn vào tháng giêng, tháng hai và tháng bảy,
tháng tám âm lịch hàng năm.
TrẦn Xuân Phong