Nét mới cho du lịch Tánh Linh

Nét mới cho du lịch Tánh Linh

BT- Ngoài cung đường uốn lượn trên quốc lộ 55 đẹp như tranh vẽ với hoa rừng 2 bên đường nở rộ quanh năm. Thác Bà hùng vĩ, thác trượt tạo cảm giác lạ lẫm với người dân nhưng đang tạo ra nét mới khi đến đây du lịch là các món ăn dân dã, đặc sản như chả cá thát lát, cá lăng, cá leo sông La Ngà nấu chua và các loại trái cây như sầu riêng Tà Pứa, ổi lê, mãng cầu Thái Lan... 

Thác trượt Đức Phú.

Trước khi đến Tánh Linh để ghé Thác Bà, nếu đi trên tuyến quốc lộ 55 (bởi có rất nhiều hướng để du khách đến Thác Bà như từ Phan Thiết, Sài Gòn hay từ thị trấn Đạmri, Đạ Huoai, Lâm Đồng) bạn nên dừng chân vài điểm để ghi vài tấm hình rồi check in với bạn bè, đường dốc, 2 bên vách núi dựng đứng với những bông hoa rừng rũ xuống đẹp như bức tranh. Đã có nhiều ca sĩ đến đây chọn cảnh để quay phim ca nhạc trên cung đường này và Thác Bà. Thác Bà ở xã Đức Thuận, nằm dưới chân núi Ông, cách trung tâm thị trấn Lạc Tánh chừng 7 km, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 150 km. Đến nay, mặc dù đã có doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch nhưng Thác Bà vẫn giữ được nét hoang sơ. Thác Bà có khá nhiều tầng, mỗi tầng cao từ 10 - 25 m, toàn cảnh Thác Bà trông như một dải lụa trắng mềm mại chảy giữa núi rừng hùng vĩ.

Truyền thuyết về Thác Bà được người dân Tánh Linh kể lại là câu chuyện tình cảm động, ẩn chứa nhiều nét huyền bí đan xen về núi Ông và Thác Bà. Chuyện kể: Ngày xưa ở đây có đôi vợ chồng cùng chung sống trên núi, rất yêu thương nhau. Người chồng rất đam mê với môn cờ tướng, một ngày chồng lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay đánh cờ giỏi lại khâm phục tài, đức của nhau nên 2 người đánh mãi không chán, trong khi đó người vợ ở nhà chờ đợi mỏi mòn. Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc trắng như mây rồi qua đời, hóa thành dòng thác cho đến bây giờ...

Đến Thác Bà vui chơi, tắm suối với nguồn nước trong lành khiến người ta có cảm giác... thèm ăn. Ngay tại Lạc Tánh bạn có thể đặt món cá thát lát nấu khổ qua rừng núi Ông, thích thì gọi món cá lăng nướng muối ớt, cá lăng nấu măng chua ăn kèm thân chuối hột hoặc món cá chạch chiên giòn... Ở Thác Bà hầu như lúc nào nhiệt độ cũng thấp, cái lạnh gần như giống Đà Lạt nên ai cũng muốn lai rai vài ly cho ấm người. Nhiều bạn trẻ mua bia không cần lấy đá mà đem bia ngâm vào dòng thác để khoảng mươi phút là đã có bia lạnh để nhâm nhi... Từ Thác Bà bạn có thể đi lên lòng hồ thủy điện Đa Mi để câu cá hay thưởng thức món cá tầm được nuôi giữa lòng hồ.

 Một điểm đến gần đây được nhiều người ưa chuộng là thác trượt ở Đức Phú. Thác trượt nằm khu vực đèo Bà Sa, thác không lớn nhưng có máng nước bằng đá tự nhiên chuyển dòng nước từ độ cao chừng 10 m đến 1 hồ nhỏ. Thác trượt chưa được doanh nghiệp khai thác du lịch nên đến đây hầu hết là tự phát. Thác rất hoang sơ và lạ lẫm bởi cách trượt nước (giống như trượt cát ở Mũi Né), mỗi lần 5 - 7 người ngồi trên máng trượt thả lỏng người để dòng nước tự nhiên làm trôi mình về phía dưới hồ tạo cảm giác rất dễ chịu. Nếu đến thác trượt, bạn nên thưởng thức món sầu riêng ở Tà Pứa, do sầu riêng được trồng trên vùng đất đỏ bazan nên có độ ngọt, thơm rất đặc trưng. Ngoài ra bạn cũng có thể ăn món heo rừng lai được dân nuôi thả rông trên diện tích rộng nên thịt rất ngon, thịt heo rừng lai ăn kèm với lá bép rừng, rau nhún rừng thì không thể chê vào đâu được...

Tánh Linh đang nỗ lực tăng tốc phát triển kinh tế, dù có nhiều chương trình tưởng như không liên quan đến du lịch như tạo thương hiệu “Gạo Tánh Linh”, “Cá thát lát Tánh Linh” nhưng lại có yếu tố bổ sung vào du lịch. Ít nhất khách đến du lịch trên vùng đất này đã có món ngon, sạch và là đặc sản riêng biệt của Tánh Linh khiến lữ khách đến một lần lại mong được đến lần sau...

Trần Thi