Phát triển thế mạnh thể thao biể

Phát triển thế mạnh thể thao biển gắn du lịch

BT- Với chiều dài 192 km bờ biển và lợi thế về thời tiết nắng, khô ráo quanh năm, Bình Thuận trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt là sân chơi lý tưởng cho các hoạt động ngoài trời, vui chơi giải trí và thể thao biển. Từ đây, tỉnh đã coi trọng việc gắn kết giữa du lịch và thể thao.

Lướt ván buồm ở khu du lịch Hàm Tiến. Ảnh Ngọc Lân

Ông Nguyễn Tấn Lực – Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (TDTT), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển quốc gia”. Đây là “bước đệm” quan trọng để các loại hình thể thao, giải trí trên biển phát triển đa dạng hơn. Có thể kể đến những môn như bóng chuyền bãi biển, đua thuyền truyền thống, bóng ném bãi biển, bóng đá bãi biển. Sự phối hợp của các doanh nghiệp tổ chức các môn thuyền buồm, lướt ván diều, lễ hội khinh khí cầu đã trở thành giải đấu thường niên mang tầm khu vực, thế giới. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa có sức khỏe, lại vừa được tận hưởng, khám phá, chinh phục những ngọn sóng, con gió và hòa mình với biển xanh.  

 Hiện nhiều môn thể thao biển đã được các huyện, thị, thành phố có biển đưa vào các kỳ đại hội thể dục thể thao và thi đấu giải hàng năm như đua thuyền truyền thống, bóng chuyền bãi biển,  bơi, chạy vượt đồi cát, bóng đá bãi biển…

Đầu năm 2020, Bình Thuận đã thành lập Hiệp hội Thể thao giải trí và dưới nước. Đây là cơ sở để đẩy mạnh phát triển phong trào thể thao giải trí và dưới nước rộng khắp toàn tỉnh, trong đó quan tâm thu hút lực lượng thanh, thiếu niên, học sinh và du khách tham gia. Cũng như xây dựng hệ thống và mở rộng các giải truyền thống của tỉnh, quan tâm đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn tốt. Mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế đến với tỉnh để khai thác, đầu tư, vận động tài trợ tạo nguồn tài chính đăng cai các giải thể thao giải trí, thể thao biển…

Một điều thú vị trong tháng 6 vừa qua, Bình Thuận là địa phương được đăng cai tổ chức 2 giải quốc gia về thể thao biển (bóng chuyền bãi biển, bóng ném bãi biển), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh gỡ bỏ giãn cách xã hội. Hiệu ứng thấy rõ cả về chất lượng giải, số lượng cổ động viên cũng như sự kế thừa trong chuyên môn. Điều này khẳng định Bình Thuận luôn là một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Dẫu còn những bộn bề do nguồn nhân lực có chuyên môn thể thao biển trong các đơn vị, doanh nghiệp số lượng rất thấp, thường xuyên biến động. Chưa kể hoạt động du lịch - thể thao biển còn tự phát ở các khu, điểm du lịch; cơ sở vật chất, điều kiện thiếu, nhất là với các nhóm môn mạo hiểm, cao cấp, nên ảnh hưởng đến tổ chức các sự kiện mang tầm châu lục, thế giới; việc xã hội hóa còn rất khó khăn. Vì thế, Bình Thuận đang thay đổi cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký tham gia hoạt động thể thao biển. Xây dựng sản phẩm du lịch – thể thao biển đặc thù, có sức hấp dẫn, sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.  Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động; khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao biển đối với các dự án đang hoạt động và có quy định đối với các dự án mới gắn hoạt động du lịch với thể thao biển phù hợp với đề án.

Phấn đấu những năm tiếp theo, cứ 2 hoặc 4 năm sẽ tổ chức một sự kiện thể thao biển có quy mô châu lục và thế giới theo loại hình đặc trưng của tỉnh. Đồng thời sẽ chú trọng mở rộng và nâng cao đào tạo chuyên nghiệp các môn bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, bơi lội, đua thuyền truyền thống, đua thuyền Canoieng, Kayak, Rowing, lướt ván buồm, lướt ván diều. Cử cán bộ, huấn luyện viên tham dự các lớp chuyên môn về cứu hộ cứu đuối, môn thể thao biển do các hiệp hội và liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển loại hình du lịch – thể thao biển. 

Thùy Linh