Văn hóa Chăm đến với du khách
Văn hóa Chăm đến với du khách
BT- Nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Ngọc Ẩn ở phường Mũi Né đang mải mê tuyển chọn hàng
trăm hiện vật sưu tập được để hiến tặng cho Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm
tại huyện Bắc Bình, khi chúng tôi vào tận khu nhà để cổ vật, một lát sau anh mới
hay biết. Anh Nguyễn Ngọc Ẩn chia sẻ: “Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm hoạt
động rất có hiệu quả, thu hút khách tham quan, tìm hiểu văn hóa Chăm ngày càng
nhiều. Những năm gần đây, tôi đã hiến tặng cho trung tâm 8 đợt với gần 1.000
hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật liên quan đến đồng bào Chăm Bình Thuận.
Thông qua trung tâm trưng bày này đã góp phần quảng bá, giới thiệu nền văn hóa
đặc sắc của đồng bào Chăm ở nhiều thời kỳ. Đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng
của khách du lịch trong và ngoài nước muốn tìm hiểu nền văn hóa Chăm Bình
Thuận…”.
|
Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm tại Bắc
Bình. |
Sau 12 năm đưa vào hoạt động công trình Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đã giới
thiệu hàng ngàn hiện vật lớn nhỏ, phục chế gần 400 hiện vật và gần 150 bức ảnh
trưng bày phản ánh về hoạt động của cộng đồng người Chăm Bình Thuận. Trung tâm
trưng bày có diện tích hơn 3.000 m2, nằm ngay bên tuyến quốc lộ 1A, thuộc địa
bàn xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Hiện vật trưng bày tại trung tâm được chia
thành các nhóm: Sưu tập di sản hoàng tộc Chăm; các hình ảnh và cổ vật; nông cụ
và ngư cụ truyền thống; hiện vật chế tác các sản phẩm gốm Chăm; các loại công
cụ, nguyên liệu; sản phẩm dệt thủ công truyền thống. Hàng năm, đến tháng 10 vào
dịp lễ hội Tết Katê nhiều hoạt động văn hóa của đồng bào Chăm được diễn ra tại
khuôn viên khu trung tâm trưng bày nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị vật thể,
phi vật thể của người Chăm đến với đông đảo du khách. Tại đây, các nghệ nhân
trình diễn kèn Saranai, thi nặn bánh gừng và trình lễ vật dâng cúng thần linh…
Những hoạt động sôi nổi trong các ngày tết đã cuốn hút nhiều du khách cùng tham
gia và thể hiện các điệu múa Chăm truyền thống như: Biyên (múa chim công), chron
(múa gà tây) và Balaiy (múa bóng) trên nền nhạc cụ Chăm. Đặc biệt, du khách đến
tham gia trong những ngày lễ hội có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức những điệu múa
Chăm và các nghề truyền thống lâu đời nhất (nghề dệt và nghề làm gốm); du khách
còn được hướng dẫn cách nặn gốm dân dụng, mỹ nghệ và kỹ thuật dệt thổ cẩm. Chị
Võ Thị Hiền, từ TP. Hồ chí Minh ra Bắc Bình, khi đến tham quan trung tâm trưng
bày, chị ngỡ ngàng và thú vị khi trực tiếp ngồi vào khung dệt thổ cẩm, chị Hiền
nói: “Nhìn thì dễ chứ làm khó lắm. Một tấm vải làm khăn choàng cổ họ phải dệt
mấy ngày, nhưng giá trên thị trường lại quá rẻ không bù đắp đủ công lao động…”.
Có thể nói, những hiện vật văn hóa, công cụ lao động sản xuất hay sản phẩm làm
ra của đồng bào Chăm trưng bày tại đây là những hoạt động văn hóa phi vật thể,
phản ánh diện mạo, đời sống văn hóa của người Chăm Bình Thuận. Những người yêu
thích văn hóa Chăm không thể bỏ qua khi về tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Thuận.
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đã và đang kết nối với các tour du lịch, công
ty lữ hành để đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Chăm ngày càng nhiều
hơn.
HỒ NHẬT