Trong chay ngoài bội mở hội đua

Trong chay ngoài bội mở hội đua ghe…

BT- Cách nay khá lâu, trong một lần đi điền dã ở vùng biển Phan Thiết – Mũi Né tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa dân gian và truyền thống của cư dân các làng vạn chúng tôi ghi nhận được các câu hát dân gian nói về sinh hoạt văn hóa của ngư dân mà tiêu biểu là 2 câu: “Dưới sông sắp đặt ghe đua/ Trên bờ sửa soạn miếu chùa Trạo ca” và “Trong chay ngoài bội/Mở hội đua ghe”. Qua đó cho thấy sinh hoạt đua ghe, diễn xướng chèo Bả trạo, làm chay (tế lễ) và hát bội từ lâu đã theo đoàn “Ngũ Quảng lưu dân” vào Bình Thuận trên 300 năm trước.

Ngày hội đua thuyền trên sông Cà Ty Phan Thiết hôm nay.

Trong công trình nghiên cứu “Bước đầu tiếp cận nghệ thuật hát bội từ giác độ văn hóa Chăm” của Vũ Ngọc Liễn – Ngô Quang Hiển (Trung tâm Ngữ văn – Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh) các tác giả cung cấp tư liệu: Sách “Ô châu cận lục” của tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn Tịnh viết năm 1548 – 1553 (thời Mạc Phúc Nguyên) có đoạn viết: “Có một địa phương mùa xuân mở hội đua thuyền, lụa là tha thướt, mùa hè mở hội tàng cưu (trong chay ngoài bội) hát múa rùm beng… Đưa đám ma thì hát múa trước linh cửu gọi là đưa linh… thậm chí nội trường hát múa canh khuya, hồ giục rồi mà cứ ngồi rục để mua vui”.

Sách “Ô châu cận lục” ra đời trước sự kiện Nguyễn Hoàng vào Nam khá lâu (1600), điều này có nghĩa lễ hội (chữ dùng ngày nay) đua thuyền và lễ hội “trong chay ngoài bội” đã có ở Đàng trong từ lâu mà chủ nhân không ai khác hơn là nền văn hóa Chămpa bản địa.

Từ châu Ô, châu Lý (1306), rồi Hóa Châu đến Ngũ Quảng (1471) đoàn “lưu dân” lại vào Bình Thuận (1697), qua tiếp biến văn hóa, lễ hội đua thuyền và lễ hội “trong chay ngoài bội” nghi thức và hình thức có nhiều biến đổi tùy theo đặc điềm địa lý của địa phương song có cái chung nhất là không thể thiếu đi trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển.

Đội chèo Bả trạo Phú Hài trong lễ hội “cầu ngư” các vạn chài Phan Thiết.

Từ hát múa trước linh cửu gọi là đưa linh của văn hóa người Chăm, qua tiếp biến văn hóa trở thành chèo đưa linh trong đám tang của người Việt, về sau lại thành chèo Bả trạo (tiếng Hán “chắc tay chèo”). Chèo Bả trạo trước hết là nghi thức lễ (làm chay), đội chèo xếp (gay) hình chiếc ghe, vừa chèo vừa hát xướng bằng nói lối và các điệu hò miền Trung, trong  lễ “cầu ngư” thì diễn xướng bổn chèo “cầu ngư”, đó là những lời khấn nguyện cầu mong “quốc thái dân an”, thuận buồm xuôi gió, mùa màng làng vạn no đầy… Xong phần lễ (làm chay), chèo Bả trạo tham gia vào phần “Bội” trở thành một trò diễn xướng dân gian diễn tả cảnh lao động của bà con ngư dân trên biển, cũng như cảnh sinh hoạt của làng vạn, mối quan hệ nghĩa tình của cộng đồng dân cư. Nội dung này càng về sau càng biến đổi phù hợp với hiện thực cuộc sống…Ví như một đoạn diễn “Kéo neo” của đội chèo Bả trạo ở Mũi Né:

Ngày tết ở Phan Thiết mà không tổ chức đua thuyền coi như không có tết. Không khí hội hè tạo niềm tin và phấn khởi ngay từ đầu năm mới, để sau cuộc đua các thuyền nghề tấp nập ra khơi hứa hẹn một vụ mùa bội thu phía trước…

Cây khô mấy thuở mọc chồi/Gỗ cong thợ khéo sữa dồi phải ngay/ Phải ngay đều tay kéo tới/Neo lỏng rồi nhẹ phới như không/Như không giữ lòng bền chặt/Cố công mài cho sắt thành kim/Người đời ai khỏi gian nan/Dằm mưa trải gió mới gan anh hùng/Anh hùng chớ - vẫy vùng đừng sợ/Chữ tang bồng là nợ nam nhi/Người đời ai có dại chi/Khúc sông eo hẹp, phải tùy khúc sông/Khúc sông - ráng công mà kéo/ Nước ngược lò trèo trẹo mối dây/ Trên rừng nhờ có nhiều cây/Đông người mạnh sức nhờ dây liên đoàn/ Liên đoàn muôn ngàn sức mạnh/ Hai vai nguyền trọn gánh hiếu trung/Non xanh nước biếc ngàn trùng/Đờn reo nước chảy, trống thùng sóng xao/Sóng xao - lao đao nào ngại/Bạn đồng lòng, thì lái giỏi giang/Rối tơ phải gỡ cho rồi/Nước săn dây thẳng lần hồi mà phăng…

Qua trích đoạn diễn xướng chèo Bả trạo ‘Kéo neo” trên phần nào cho ta thấy biển là môi trường để con người sống và lao động, biển cũng là nơi con người gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng qua thế giới tâm linh và hiện thực cuộc sống. Tiếc thay loại hình này ngày càng không  phát  triển theo nhịp điệu rộn ràng của cuộc sống mới, trở về với cái gốc “đưa linh” trong các kỳ tế lễ và ngày vắng đi ở các làng vạn. Trên địa bàn Phan Thiết nay còn lại đội chèo Bả trạo Hưng Long song ít hoạt động tại địa phương, chỉ năm một lần vào phục vụ lễ hội Dinh Thầy Thím, các đội chèo vạn Phú Bình (Phú Hài), vạn Thạch Long (Mũi Né) cũng ít khi hoạt động. Trong tỉnh thì các địa phương Tuy Phong và Phú Quý có nhiều cố gắng duy trì loại hình diễn xướng dân gian này…

Về hát bội, hình thức hát múa của chèo Bả trạo còn mang tính sơ khai của “văn nghệ dân gian” thì hát múa của hát bội đã trở thành một nghệ thuật “cung đình, bác học” và trở thành “Quốc kịch” của Đàng trong qua nhà chính trị, nhà quân sự và nhà văn hóa cũng là ông Tổ hát tuồng Đào Duy Từ (1572 – 1634). Đến thời Đào Tấn (1844 – 1907) đã đưa nghệ thuật tuồng (hát bội) Việt Nam những bước tiến rực rỡ. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng từ hát múa của Champa, dân ca miền Trung, múa võ cổ truyền Bình Định, truyện thơ Nôm và tuồng tích Kinh kịch Trung Hoa… đã trở thành nghệ thuật “hát bội”. Và “càng đi về phía Nam hát bội càng bén rễ trong dân gian”.

Như tại Phan thiết và trong tỉnh Bình Thuận, từ thời nhà Nguyễn các thiết chế đình làng, dinh vạn được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Trong đó phải có nhà “Võ ca” phía trước gian chính điện. Võ ca là nơi để hát bội (như sân khấu), chính điện là nơi thờ thần, thiết kế như vậy bởi vì hát bội là một nghi thức “trong chay ngoài bội”, trước hết là hát để cúng thần qua lễ “khai diên” rồi mới đến phục vụ hội hè đình đám cho bà con cô bác. Còn vì sao gọi là “Võ ca”?, qua tìm hiểu các vị cao niên giải thích: “Trong nghệ thuật hát bội có 2 yếu tố cơ bản là hát và múa, mà múa ở đây là múa võ cổ truyền Bình Định, đào kép hát bội là những người thông thạo các bài quyền và thuần thục sử dụng các binh khí”(!?).

Trước đây tại Phan Thiết và trong tỉnh đã từng có nhiều gánh hát bội một thời cũng “nổi đình nổi đám” như gánh hát của bà bóng Tuất ở Đức Nghĩa, gánh hát ông Mười Cần ở xóm Động Giá của Phú Trinh, cùng nhiều gánh ở Tuy Phong, Mũi Né và Phú Quý. Nay thì lệ xưa vẫn giữ, song hát bội thì phải hợp đồng các đoàn ở Khánh Hòa, Bình Định vào hát và người am tường yêu thích cái hay cái đẹp nghệ thuật truyền thống này ngày một ít đi. Trong tỉnh chỉ còn đoàn hát của anh Sơn - chị Nết ở Tuy Phong nhưng cũng hết sức chật vật, ngoài Phú Quý thì còn giữ được truyền thống hát bội của một gia đình…

Chỉ còn một phấn khởi lớn là ngày hội đua thuyền trên sông Cà Ty Phan Thiết vào chiều mùng 2 tết đã đi vào ngày hội truyền thống và trong tỉnh thì vạn Bình Thạnh (Tuy Phong) và các vạn ở huyện đảo Phú Quý còn giữ gìn và tổ chức đua thuyền trên biển thường niên trong các kỳ lễ hội. Xưa thì gọi là đua ghe và gắn hoạt động này vào các vạn chài, nay thì gọi là đua thuyền và do chính quyền cơ sở chủ trỉ tổ chức các đội về đua. Tổng cộng ngày hội đua thuyền của thành phố Phan Thiết có 9 đội thuyền đua với 225 tay chèo (trạo) đua tài đua sức (25 tay chèo/thuyền), ngoài ra còn tổ chức đua thúng chai với hàng chục thúng tham dự với 3 hình thức bơi (chèo) thúng, lắc thúng và quấy thúng tạo nên một ngày hội rộn ràng gắn bó cộng đồng cư dân và phục vụ khách tham quan du lịch.

Đua thuyền trên sông Cà Ty Phan Thiết có một đặc điểm là bởi sông ngắn và không rộng nên không tổ chức đua đường dài được như các sông ở Bắc Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam…) mà tổ chức đua nhiều vòng ngắn qua 2 đầu cọc tiêu. Muốn qua cọc tiêu nhanh gọn thì người cằm chèo dọc và các tay chèo phải hết sức khéo léo áp sát cọc tiêu và quay vòng nhanh. Còn nếu không khéo thì ôm vòng cua xa không tiến nhanh lên được, mà nếu tranh nhau đâm vào ghe bạn đi trước là phạm quy. Một vị lão ngư cho biết: “Ngày trước nghề biển đi khơi ở Phan Thiết chủ yếu là nghề mành chà, các tay chèo và chèo dọc của nghề chà rất khéo léo khi áp sát cội chà để thả neo buông lưới, bắt gọn đàn cá đang tụ ở cội chà, nên các tay chèo và chèo dọc mành chà trong đua ghe qua cọc tiêu rất nhanh và khéo léo”. Đó cũng là đặc điểm của đua thuyền Phan Thiết…

Có thể nói, ngày tết ở Phan Thiết mà không tổ chức đua thuyền coi như không có tết. Không khí hội hè tạo niềm tin và phấn khởi ngay từ đầu năm mới, để sau cuộc đua các thuyền nghề tấp nập ra khơi hứa hẹn một vụ mùa bội thu phía trước… Và chúng tôi hy vọng rằng có một ngày nào đó chúng ta sẽ có “Ngày hội đua thuyền toàn tỉnh” bởi Bình Thuận chúng ta cũng là một trung tâm của nghề biển.

Và hơn nữa là một trung tâm du lịch biển, có sự phát huy các giá trị, các di sản văn hóa biển truyền thống cùng với phát triển các loại hình văn hóa thể thao biển hiện đại trong du lịch nói riêng, góp phần vào công cuộc “vươn ra biển lớn” nói chung.

Võ Ngọc Văn