Kết nối du khách tìm hiểu giá tr

Kết nối du khách tìm hiểu giá trị văn hóa Chăm

BT- Nếu chỉ để cất giữ, bảo quản thì các cổ vật mãi mãi chỉ là vật vô tri, không có giá trị với đời sống con người, nhưng thông qua hoạt động du lịch, những hiện vật ấy không những được giới thiệu quảng bá rộng rãi về một giai đoạn lịch sử, văn hóa nhất định của một dân tộc, một quốc gia, mà còn được trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị. Xác định điều đó, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (Bắc Bình) đã tăng cường kết nối với các tour, đơn vị và tạo ra nhiều hoạt động để thu hút du khách.

Hoạt động lễ hội được tổ chức tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm. Ảnh Đình Hòa

Bà Lư Thái Tuyên - Phó giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm cho biết: Trung tâm nằm trên tuyến QL 1A thuộc thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, khá thuận tiện cho du khách đi lại tham quan. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 13.000 lượt khách đến trung tâm tham quan, nghiên cứu, vượt gần 500 lượt khách so kế hoạch. Trong đó có 376 lượt khách nước ngoài, đa phần đến từ Nga, Pháp, Đức, Hồng Kông, Campuchia. Để đạt kết quả trên, trong năm trung tâm đã duy trì và đổi mới nội dung các loại hình hoạt động văn hóa đặc trưng. Cụ thể dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, có các chương trình mừng Đảng, mừng xuân như hội thi nâng cao tay nghề dệt truyền thống Chăm lần thứ XI; triển lãm 70 ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật chủ đề về “Bác Hồ với Quốc hội”, “Phong cảnh quê hương Bình Thuận”; hợp đồng Đội văn nghệ dân gian Chăm “Hoa Nắng” huyện Bắc Bình biểu diễn văn nghệ; tổ chức gian hàng ẩm thực nhằm giới thiệu, quảng bá và phục vụ 6 món ăn đặc sản của dân tộc Kinh, Chăm, Hoa ở huyện Bắc Bình; liên hoan ca, múa, nhạc và trình diễn trang phục truyền thống chủ đề “Giai điệu mùa xuân”; trò chơi dân gian.

Ngoài ra đơn vị còn mời nghệ nhân tham gia trình diễn, giới thiệu nghề dệt và làm gốm truyền thống của người Chăm; liên kết giới thiệu bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm và đền thờ Pô Anit; phối hợp các trường học trên địa bàn huyện và các xã đoàn tổ chức các hoạt động chuyên đề, tham quan, chiếu phim. Để bảo vệ và phát triển âm nhạc dân gian, tiếng nói, chữ viết của dân tộc, trong dịp lễ Katê 2018, trung tâm tổ chức hội thi thổi kèn Saranai, thi múa dân gian Chăm, nắn bánh gừng và trang trí lễ vật dâng cúng thần linh, thi viết chữ Chăm truyền thống dành cho lứa tuổi trung niên và học sinh; trưng bày, giới thiệu 112 hiện vật, hình ảnh về văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận.

Năm nay Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tiến hành sưu tầm, trao đổi và tiếp nhận 119 hiện vật; hoàn chỉnh phục chế tượng Po Anit bằng chất liệu đá theo đúng tiến độ kế hoạch và đã đưa vào trưng bày thay thế tượng Po Anit bằng chất liệu compusite; bổ sung trưng bày nhiều hiện vật gốc, tập trung giới thiệu chuyên sâu về văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, tạo sự phong phú về bản sắc văn hóa dân gian Chăm. Song song đó là nhiệm vụ sửa chữa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; quảng bá, tuyên truyền, tạo điều kiện cho đội ngũ thuyết minh tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng tại chỗ để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và du khách.

Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông, dịch vụ nghỉ dưỡng ở Bắc Bình còn yếu khiến việc thiết kế các tour du lịch của các hãng du lịch lữ hành đến với trung tâm còn rất hạn chế. Nguồn kinh phí được cấp hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong sưu tầm hiện vật gốc nhằm thay thế dần các hiện vật phục chế và thiết kế mới. Tình trạng chợ tự phát ở phía sau trung tâm tiếp tục lan rộng, lấn chiếm bán hàng ngay tại sân vườn ở bên hông cửa phụ ra vào gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… “Khó khăn là thế, nhưng chúng tôi sẽ tích cực vận động người dân cùng chung tay hiến tặng di vật gốc và quảng bá điểm đến, để đánh thức tiềm năng vốn có của kho tàng cổ mà trung tâm đang lưu giữ, cũng là góp phần bảo vệ văn hóa địa phương”, bà Tuyên khẳng định.

T.A