Sự kết hợp giữa sông và biển

Sự kết hợp giữa sông và biển

BT- Lần đầu tiên, Bình Thuận mang sản phẩm du lịch đến với đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế về biển, với những gì thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận lần đầu tiên mạnh dạn mang sản phẩm đến với con người miền Tây, chất phác, phóng khoáng, để tạo nên sự kết nối đầy tiềm lực giữa sông nước và biển khơi.

Mô hình homestay ở miệt vườn Cần Thơ.

Ai cũng biết vị trí của Bình Thuận khác biệt so với nhiều địa phương khác, bờ biển dài gần 200 km, khí hậu quanh năm ấm áp, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa độc đáo. Bình Thuận đã trở thành một điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, trong đó có du khách đến từ các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Bình Thuận có đầy đủ những yêu cầu để đáp ứng cho du khách về nghỉ dưỡng, tín ngưỡng. Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhìn nhận: Đối với thị trường khách các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua Bình Thuận vinh hạnh được du khách quan tâm lựa chọn là điểm đến thường xuyên để du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi và tham quan các địa danh quen thuộc như Mũi Né - Phan Thiết, đồi cát bay, Bàu Trắng, chùa Cổ Thạch, Dinh Thầy Thím, bãi biển Cam Bình...

Để tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn, là lựa chọn cho các chuyến tham quan nghỉ dưỡng của du khách, nhất là du khách 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long,  Bình Thuận đã và đang quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển và đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu  nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm và tham quan của du khách khu vực miền Tây Nam bộ khi đến với Bình Thuận. Đồng thời, tiếp tục đưa thêm nhiều sản phẩm mới vào phục vụ du khách trong thời gian đến như nghỉ dưỡng biển, du lịch khám phá văn hóa truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm...

Ông Võ Xuân Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết: Bình Thuận còn phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch của địa phương, hình thành các tour, tuyến tham quan du lịch giữa các vùng miền để phát huy các tiềm năng, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn mang tính chuyên biệt. Tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh, thành bạn trong cả nước cũng như nước ngoài để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch. Chủ động triển khai phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên kết phát triển du lịch với các địa phương, trong đó có liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là lý do, Bình Thuận chọn Cần Thơ để bắt đầu cho những hy vọng vào tương lai.

Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2020, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, ngành du lịch có nhiều cơ hội để giới thiệu các sản phẩm du lịch đến du khách nhiều tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, Bình Thuận hết sức quan tâm đến chiến lược liên kết vùng để phát triển thị trường khách nội địa và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Tại đồng bằng sông Cửu Long, du lịch của 13 tỉnh, thành tại khu vực này thời gian gần đây được đánh giá là đang phát triển mạnh mẽ. Khẳng định điều này là trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng của cả nước được Chính phủ phê duyệt. Không chỉ có “đặc sản” sông nước, du lịch phương Nam cũng có những ưu thế về văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên một nền văn hóa đa bản sắc, đậm chất phương Đông, cộng thêm bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Du lịch miệt vườn đã tạo nên chân dung riêng cho vùng, là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh.

Hy vọng với sự nỗ lực này sẽ mở ra một thị trường đầy tiềm năng đã và đang được khai thác của du lịch Bình Thuận. Đó không chỉ là tiềm năng của một thị trường du khách nội địa lớn của cả nước, mà còn là vùng du lịch có thể kết nối với du lịch Bình Thuận để tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng vùng miền là biển, đảo Nam Trung bộ với miệt vườn, sông nước Tây Nam bộ. Do đó, cần thiết phải có sự liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là xu hướng tất yếu và là cơ sở quan trọng để cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận giao lưu, trao đổi, tìm kiếm, thâm nhập và mở rộng thị trường du lịch lẫn nhau. Đây cơ hội hợp tác trên nhiều phương diện trong lĩnh vực du lịch giữa Bình Thuận và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực liên kết vùng chặt chẽ giữa các địa phương nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, trong đó có Bình Thuận.

Quang Nhân