Ba lần đến Cù Lao Câu

Ba lần đến Cù Lao Câu

Bài 1: Những con người trên đảo

BT- Cù Lao Câu thuộc huyện Tuy Phong. Hòn đảo này cho đến bây giờ vẫn giữ được vẻ hoang sơ và tươi đẹp. Khám phá Cù Lao Câu chắc chắn sẽ là một chuyến đi lý thú.

Với nhiều nhà báo, Cù Lao Câu được khám phá từ khi chưa có du khách. Hồi ấy anh em phóng viên kể trên đảo vắng đến nỗi đi gặp ba anh bộ đội, chào nhau rồi hai nhóm hai hướng, buổi trưa lại gặp đúng ba anh ấy rồi chào nhau, rồi hai nhóm hai hướng… Nhưng Cù Lao Câu bây giờ khác rồi, cuối tuần bốn, năm trăm khách là bình thường.

Tôi đến Cù Lao Câu để theo những bà mẹ rùa vào thời điểm sinh nở. Tuy vậy, mọi chuyện không hề dễ dàng. Trên hòn đảo nhỏ 1,5 ha ấy có rất nhiều bãi cát và hang đá đẹp. Nhưng những bà mẹ rùa rất cẩn thận. Chúng bò vào bờ, chậm rãi khám khá, lựa chọn rồi lại trở về biển. Khi quyết định được nơi gửi trứng, chúng cũng thường đào nghi binh vài chỗ. Hôm ấy, cả bọn chờ đợi mệt mỏi nên đi ngủ, chỉ mỗi Hiển, cậu quay phim của đoàn, là thức. Hiển theo mấy anh ở trung tâm bảo tồn biển Cù Lao Câu ra nơi được phán đoán là rùa sẽ vào đẻ. Cả nhóm ém mình chờ. Không chuyện trò, không hút thuốc, họ cứ im lặng kiên nhẫn như vậy. 3 giờ sáng, một bà mẹ rùa ngót tạ chậm chạp vào bờ, lưng mốc xanh, hàu bám đầy trên mai, có lẽ đã lên chức mẹ nhiều lần lắm rồi... Dùng những cái chân to bè của mình, nó đào một hố cát thật sâu và từ từ đẻ 108 chiếc trứng tròn xinh vào đó.

Câu chuyện được Hiển kể lại khiến chúng tôi sôi lên vì ghen tỵ. Bù lại, anh em trung tâm hứa sẽ báo ngày rùa nở cho chúng tôi. Nói thì nói vậy nhưng mấy ai được xem rùa nở. Lập - một cán bộ của trung tâm nói: “Giây phút rùa nở là thiêng liêng nhất. Bãi cát đang im lìm bỗng cựa quậy, rồi một chiếc đầu bé tí, xinh xắn, hai cái đầu bé tí xinh xắn… trồi bên. Ngay lập tức chúng băng băng nhào ra biển. Nhưng anh em bảo tồn đã chờ sẵn rồi. Chúng tôi bế chúng và đi bộ ra mép nước, thả chúng xuống. Như vậy, bé rùa không mất công bò một quãng đường xa và có sức bơi thật lâu, thật nhanh trong đại dương”. Trứng rùa nở có lẽ phải đạt đến con số 90% nhưng cứ một ngàn con nở ra thì chỉ một con còn sống và sinh trưởng. Khi đến tuổi làm mẹ, chúng sẽ quay về nơi chúng nở để đẻ trứng. Như vậy, cũng có nghĩa bà mẹ rùa hôm qua, khi trước đã chào đời trên biển Cù Lao Câu. Giới tính của rùa sẽ được nhiệt độ xác định là cái hay đực chứ không phải do rùa bố mẹ. Một nghiên cứu cho biết nhiệt độ trên 290C thì trứng sẽ nở ra rùa cái, dưới 290C thì sẽ cho ra rùa đực, vì vậy việc thay đổi nhiệt độ mỗi nơi có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ đực cái của rùa và có thể làm mất cân bằng giới tính của chúng. Ngày từ trứng biến thành rùa con cũng dao động khá xa, khoảng hai tuần. Chính vì vậy, canh ngày rùa nở rất khó, nhưng anh em của khu bảo tổn biển chưa bỏ sót cuộc rùa nở nào.

Khung cảnh hoang sơ, thanh sạch và tươi đẹp của Cù Lao Câu. Ảnh: Đình Hòa

Cùng có mặt trên đảo với chúng tôi là một nhóm thợ lặn chuyên nghiệp và bỏ thời gian chính cho biển. Trong nhóm có một thiếu nữ xinh xắn và vui tính. Họ đến Cù Lao Câu rất nhiều lần nên hiểu rõ từng rạn đá, từng đàn cá. Buổi chiều, nhóm lặn đi ra biển và một giờ sau mang về khoảng 3 kg cá tươi xanh cho nồi cháo. Nhóm chúng tôi mua ghẹ của ngư dân để góp mồi. Ghẹ bán theo mớ, không cần cân, rất tươi và rẻ bất ngờ.

Trên đảo chủ yếu là bộ đội, họ có một doanh trại lớn và xây cất kiên cố. Mỗi du khách lên đảo đều được ghi vào ba danh sách để giao cho chủ tàu, ban quản lý khu bảo tồn biển và đơn vị quân đội này. Họ có nhiệm vụ quản lý người ra vào và bảo vệ sự an bình cho một mảnh đất trên biển Đông. Trên đảo ít người nên hầu như tất cả đều là người nhà dù họ đến từ rất nhiều nơi khác nhau. Ngoài khu bảo tồn biển và doanh trại bộ đội, trên đảo có đúng hai hộ dân. Ông Tư Hữu có một cái quán khá to và đông khách, có lúc ông đón đến hai trăm người, vì vậy vợ ông, con gái và mấy cô giúp việc tay đập vào chân cũng không phục vụ kịp. Ngược với quán ông Tư Hữu, quán ông Ba Hùng nhỏ bé và vắng vẻ. Mỗi khi có tàu ra hay vào, ông Ba Hùng đều mang ghế nhựa đặt sát tàu cho khỏi ướt chân du khách, nhưng du khách vừa xuống là ào vào quán ông Tư Hữu. Tôi cũng vậy, vì tôi tưởng quán ông Ba Hùng là… bếp của quán ông Tư Hữu. Bù lại, quán ông Ba Hùng nấu ăn rất ngon và có nhiều gió mát hơn. Ngủ đêm ở quán ông Ba Hùng là một trải nghiệm rất thú vị. Chúng tôi được ông Ba Hùng mắc cho 3 cái võng lưới sát nhau. Giữa mùa hè nhưng ông bảo khuya gió rất lạnh nên phải nằm trong nhà. Nửa đêm, gió bốc từng nắm cát ném rào rào lên mái tôn. Lâu lâu trời đổ mưa, tiếng mưa hòa với tiếng sóng biển tạo thành một khúc nhạc lạ lùng. Tôi chưa từng ngủ trên võng nên đau cổ rồi mỏi lưng, cựa quậy cả đêm không thể ngủ nổi. Cuối cùng tôi quyết định thức với biển. Tôi nghe tiếng máy tàu nặng nề đè sóng ra khơi, tôi nhìn những đốm sáng dập dềnh trên những con tàu qua lại hòn đảo… Nhưng giờ thì tôi biết, nếu mất ngủ, hãy cầm một chiếc đèn pin thật sáng và quét nó trên mặt nước biển. Một cảnh tượng cực kỳ thú vị sẽ hiện ra, đó là hàng trăm con cá bé tí, óng ánh vẩy bạc tung mình trên mặt nước. Ban ngày chúng sẽ lặng lẽ bơi để tránh ánh nhìn con người, nhưng đêm xuống, trên biển sẽ là những cuộc phô diễn kỹ thuật nhảy sóng đẹp mắt. Đó là một ấn tượng rất khó phai trong lòng du khách.

Đảo không có nước ngọt, tất cả đều phải chở từ đất liền ra, mất gần 60 phút trên tàu, vì vậy nước ngọt khá đắt, ba mươi ngàn đồng cho một lần tắm. Nhưng thức ăn trên đảo đặc biệt tươi ngon do từ biển được đưa thẳng lên bàn. Ngoài món canh chua, cá chiên, mực xào, tôm hấp… hai quán trên đảo còn chế biến rất chuyên nghiệp món sò dương, nhum nướng… Dân xứ biển như chúng tôi mà hoàn toàn bất ngờ khi con cá cơm bé xíu lại có thể cho món cháo ngon đến như vậy.

Giữa một khung cảnh hoang sơ, thanh sạch và tươi đẹp như Cù Lao Câu, cái vị ngon của hải sản chắc chắn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Kim Oanh

Kỳ  2:  Từ biển lên bàn