Bình Thuận - Lâm Đồng

Bình Thuận - Lâm Đồng: Phối hợp quản lý tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng

BT- Cung đường Tà Năng- Phan Dũng là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, đây cũng là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi. Vừa qua đã xảy ra một số sự cố cho du khách khi đi phượt trên tuyến đường này. Vì vậy cần làm gì để quản lý, giảm thiểu rủi ro cho du khách và tác động đến môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn, đây là vấn đề vừa được 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận và Lâm Đồng, cùng các địa phương, ban quản lý rừng 2 tỉnh đưa ra họp bàn.

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có điểm đầu từ xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xuôi theo đường rừng về phía xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) dài gần 60 km. Tuy nhiên theo khảo sát chỉ có 2% du khách khám phá cung đường này liên hệ các công ty tour để được dẫn đường, hỗ trợ trang thiết bị và kỹ năng khi qua suối, đi rừng, số còn lại tự tổ chức nhóm đi theo hình thức người đi trước chỉ đường cho người đi sau mà không am hiểu nhiều về địa danh hay kỹ năng trekking. Thậm chí khi vào khu vực này du khách không có ý thức bảo vệ môi trường, rác thải tràn khắp các lối đi.

Theo đại diện huyện Đức Trọng, từ năm 2011 cung đường này đã được các phượt thủ biết đến. Từ đó đến nay số lượng các đoàn trekking không ngừng tăng lên, trong đó có rất nhiều du khách là người nước ngoài. Nhận thấy đây là cung đường đẹp, có tiềm năng, nhưng không kém nguy hiểm nên huyện tổ chức các đợt khảo sát để lắp đặt biển cảnh báo, chỉ đường cho du khách. Địa phương đã đề xuất xây dựng một trạm kiểm soát ở xã Đa Quyn - điểm đầu tuyến, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Đồng thời gia cố lại 2 cầu trong rừng, tránh trơn trợt vào mùa mưa và giao Ban quản lý rừng và UBND xã quản lý, hướng dẫn du khách khi vào rừng.

Tại buổi làm việc, các địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Năng và Phan Dũng thông tin thêm: Vào các ngày lễ, số lượng phượt thủ khám phá cung đường này lên tới 1.000 người/ngày. Từ Tà Năng đi Phan Dũng có 3 hướng đi chính là hướng đi vào khu vực thác YATLY, hướng vào thác La Phào và khu vực đường bo. Trong đó hướng vào thác La Phào là khu vực nguy hiểm nhất. Tuy nhiên họ không lường trước được rằng mặc dù mùa khô nhưng các con suối ở đây nước chảy rất lớn, đến đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh có rất nhiều đường rẽ, không có sóng điện thoại, nếu không phải người địa phương và rành địa hình thì rất dễ bị lạc.

Vì vậy tiếp tục cho khai thác, khám phá nhưng có sự định hướng, quản lý đó là ý kiến được các đơn vị có liên quan của 2 địa phương thống nhất. Theo đó 2 tỉnh sẽ đề ra quy chế phối hợp để quản lý du khách trakking cung đường này. Cụ thể lập 2 trạm kiểm soát tại điểm đầu ở xã Đa Quyn và tại địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh. Việc xây dựng trạm quản lý bắt buộc các đoàn khi muốn khám phá cung đường phải đăng ký số lượng tham gia, hợp đồng tour hoặc có người địa phương hướng dẫn để hạn chế rủi ro xảy ra. Đồng thời khảo sát lắp đặt các biển báo bằng song ngữ Việt - Anh gồm biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm, thông tin hướng dẫn, quy định khi vào rừng; xây dựng các điểm tập kết rác, phân công lực lượng thu gom định kỳ; phương án bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn; thông tin tuyên truyền hỗ trợ du khách. Hướng dẫn, tuyên truyền các công ty lữ hành chuyên tổ chức tour trekking trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của du khách. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình du lịch trakking...

 Thùy Linh