Gỏi mít Huy Khiêm

Gỏi mít Huy Khiêm 

BT- Có dịp về chợ Huy Khiêm (Tánh Linh), dù sớm hay chiều bạn cũng có thể tìm mua cho mình nhiều loại thức ăn hết sức dân dã. Ấy là món xôi ngọt đặc trưng xứ Quảng (làm từ đậu đen, nếp, đường có pha thêm mè và gừng), bánh ướt, bánh ú, bánh tét và đặc biệt gỏi mít. Gỏi mít chợ Huy Khiêm không cầu kỳ nhưng rất ngon. Gỏi có nguyên liệu chính gồm nít non luộc chín xắt nhỏ, da heo hấp thật mềm cùng với đậu phộng rang, mắm tỏi, rau húng, tất nhiên không thể thiếu dầu phộng khử bằng củ nén (nhiều nơi trộn gỏi mít với tôm khô, thịt ba chỉ). Ăn gỏi mít cùng với bánh tráng gạo Huy Khiêm rất ngon miệng...

Gỏi mít non tôm thịt miền Trung.

Nhân chuyện gỏi mít bán ở chợ Huy Khiêm, xin được nói thêm về món mít non trong bữa ăn người nông dân.

Người miền Trung nói chung và người dân Quảng Nam nói riêng, sống ở khúc eo của đất nước, xưa nay luôn gánh chịu nhiều hiểm họa thiên tai. Đời sống của họ rất cơ cực, bữa ăn hiếm khi có được miếng ngon. Họ phải tận dụng nhiều loại rau cỏ, cây trái để chế biến thành món ăn trong gia đình. Từ cây chuối non, cái bắp chuối, quả chuối xanh, đến  bẹ môn… đều có thể trở thành những món ăn tuy dân dã nhưng rất đậm đà và ngon miệng.

Đặc biệt, cây mít đối với người miền Trung là hết sức quý giá. Mít không chỉ cho gỗ tốt, nó còn giúp bà con chống được đói và cả chế biến thành những món ăn ngon trong gia đình.  Đọt mít non, khóm mít, hạt mít, trái mít đều được sử dụng. Trong đó, mít non chiếm vị trí khá quan trọng trong bữa ăn hằng ngày.

Người dân Quảng có câu ca dao: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.” Hai loại sản vật, một đằng trên núi, một đằng dưới biển tưởng không có gì ăn nhập này nhưng khi được kết hợp lại, qua tài chế biến của người dân Quảng sẽ cho ra món ăn rất đậm đà.

Cá chuồn được đánh bắt nhiều vào mùa hè ở biển Cửa Đợi, Hội An. Mít non, loại mít nghệ có nhiều ở thượng nguồn sông Thu Bồn, sông Vu Gia như: Đại Lộc, Hiên, Giằng… Ngày xưa con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược chủ yếu bằng đò, ghe theo hai tuyến sông này. Để hai miền đều có được món ăn đậm chất Quảng, thì việc “gởi xuống, gởi lên” là tất yếu.

Mít non với cá chuồn có thể nấu canh, có thể kho. Nồi canh mít cá chuồn vừa ngọt, vừa bùi vừa thơm mùi rau quế, và hăng hăng mùi đọt ớt.

Cá chuồn kho mít lại có hương vị đặc biệt khác. Để có được nồi cá chuồn kho mít, đầu tiên cá được làm sạch, các loại phụ gia như củ nén, hành tím, nghệ tươi, ớt trái cho vào cối giã chung với muối hột, gia vị rồi nhét vào bụng cá, gấp đôi con cá, lấy lá chuối tươi quấn lại, khử dầu chiên sơ, cho nước vào kho cá một lượt, sau đó cho mít non đã xắt cỡ hai ngón tay, thêm nước và riu riu lửa kho lại, khi cá, mít đã thấm, nêm nếm sao cho vừa miệng. Vậy là đã có nồi cá chuồn kho mít với đầy đủ hương vị, cá, mít, hành, nén, nghệ, ớt… ăn đến đâu nhớ đến đó.

Ngoài món mít kho cá chuồn, người Quảng còn dùng mít non để luộc chấm mắm nêm, nấu canh với lá é…nhưng ưa thích hơn cả là món mít non trộn gỏi. Mít được luộc vừa chín tới, sau đó thái nhỏ, khử dầu phộng trộn với thịt ba chỉ, tôm khô, mắm tỏi, rau húng, rau răm, đậu phộng rang giã vừa dập dập. Dùng bánh gạo nướng vàng bẻ ra từng miếng xúc ăn.

Ngày nay kinh tế đất nước phát triển. Đời sống của người nông dân không còn thiếu đói cơ cực như xưa, nhưng những món ăn dân dã ấy vẫn không thể thiếu trong bữa ăn của người xứ Quảng.

Mít non ngày nay đã thành món ăn ưa thích được nhiều người biết đến. Tại Bình Thuận, có dịp về Đức Linh, Tánh Linh nơi có nhiều người dân Quảng sẽ không khó để được thưởng thức những món ăn ngon từ mít.

 NGÔ VĂN TUẤN