Cổ Thạch - miền đất nhớ
Cổ Thạch - miền đất nhớ
BT- Những năm gần đây, năm nào tôi
cũng ghé thăm Cổ Thạch vài ba lần. Vùng biển Nam Trung bộ này gắn bó với tôi từ
thời “cầm bút, cầm máy mặc áo lính”.
|
Mùa xuân của biển. Ảnh: N. Liên |
Chùa Cổ Thạch có vẻ đẹp thuần khiết,
hoang sơ, uy nghiêm và cổ kính, với hơn trăm năm tuổi. Biển xanh gần đó với
những hòn đá kỳ thú và nhiều sắc. Đặc biệt, hòn Gù (bà con địa phương gọi là hòn
Còng) như người khổng lồ vững chãi, mắt nhìn đăm đắm về phía mặt trời mọc, canh
giữ biển trời, tay dang rộng ôm trọn tình non nước. Nhiều lần trong đêm, dân đam
mê nhiếp ảnh chúng tôi ngồi trước biển gần bãi đá cạnh hòn Gù uống rượu và
truyền nhau câu chuyện mang màu huyền thoại mà người già ở đây kể lại: Hòn Gù
chính là người đàn bà chờ chồng hóa đá. Người chồng đi biển và mãi mãi ở ngoài
trùng khơi không trở về. Chờ đợi chồng mỏi mòn, nước mắt bà rơi đến đâu gặp nước
biển xanh chát mặn thì vón lại, cô đọng thành những hòn đá cuội lăn trước sóng
đêm ngày…
Dưới chân hòn Gù, cứ mỗi độ tết đến,
xuân về, rêu xanh từng lớp, từng lớp kết lại đan dệt vào đá mang màu xanh non tơ
đẹp đến nao lòng.
Với tôi, Cổ Thạch luôn là miền đất
nhớ. Đến Cổ Thạch để được nghe tiếng đêm mênh mang tĩnh lặng, văng vẳng tiếng
chuông chùa, tiếng mõ cốc cốc hòa vào tiếng sóng biển xôn xao, rì rầm lan tỏa…
Tiếng của hàng ngàn, hàng vạn hòn đá theo nhịp sóng vỗ ru dương, gõ vào nhau như
những bản nhạc không lời, như tiếng thì thầm của tình yêu, của mùa xuân muôn
thuở… Và như lời của gió, của sóng, của cổ xưa dội về:
Cuộc tình dâu bể
người hóa đá
Máu lệ tuôn dòng
tạc rêu phong
Bảy màu đá
thiêng hồn thu tỏ
Cổ Thạch hòn Gù
sóng biển ru…
Ngân Liên