Một thời tết cũ

Một thời tết cũ

BT- Ngày tết luôn là một phần ký ức thương thuộc và thiêng liêng với người Việt. Thế hệ chúng tôi, những người đã sống qua chiến tranh ở miền Nam, ký ức về những cái tết trong đời có một phong vị đặc biệt. Hoa mai không chỉ là hoa mai. Cây nêu cũng không hẳn là cây nêu. Và những đòn bánh tét cũng mang một sứ mệnh kèm theo nào đó… Tết thời bom rơi đạn nổ với tết thời hòa bình dựng xây giống nhau vì cùng là sự chào đón thời khắc thiêng liêng đầu năm mới, giống nhau vì đó là phong tục rất đẹp của người Việt nhưng cũng có sự khác nhau vì những điều “không hẳn” tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy. Dường như có một mạch ngầm đời sống khác ẩn mình trong dòng chảy hoang mang của một thời tết cũ.

Nói chuyện cây nêu ngày tết thôi cũng đã có trăm lẻ một kiểu dựng nêu, thường thì dựng nêu để báo hiệu tết về, báo hiệu với cõi âm là chính, tức là thay lời mời đón tổ tiên ông bà về chung vui ba ngày tết bảy ngày xuân. Có nơi, người ta còn tin cây nêu trấn an trong nhà trong cửa năm mới, nó xua đuổi ma quỷ về quấy nhiễu nên ngoài chùm lá hoặc mảnh cờ tam giác người ta còn buộc vào đó túi tỏi, khúc xương rồng và những đoạn lá dứa gai. Nhìn chung cây nêu là loại ngôn ngữ đặc biệt để giao tiếp với cõi âm. Nhưng trong thời chiến tranh, ở những vùng “xôi đậu”, tức vùng lẫn lộn giữa hai phía, cây nêu ngày Tết trở thành cây báo yên hay có địch của những gia đình cơ sở cách mạng, bằng cách thay màu sắc lá cờ và treo cây đèn bão lưng chừng cây nêu theo quy ước mà những người kháng chiến trong rừng, trong bưng hoặc từ nơi núp bí mật biết được tình hình làng xóm như thế nào.

Phong tục đón Tết Nguyên đán của người miền Nam được chuẩn bị khá công phu, thường thì người ta nhớ đến cái mốc hăm ba tháng chạp, đưa ông Táo về trời, thật ra thì trước đó, khoảng đầu chạp đến rằm đã có những công việc không thể không làm, chẳng hạn việc lẩy lá mai. Dù là mai trồng sân nhà hay mai chặt trong rừng về đều phải lẩy lá đúng kỳ sao cho những nụ vàng bung nở kịp ngày mùng một đầu năm. Ở quê tôi, có những nhà tất cả đàn ông trai tráng đều thoát ly vào rừng vì vậy mà cứ độ trước hoặc sau rằm dăm ngày (tránh ánh trăng quá sáng),  những người kháng chiến thường lẻn về nhà trong đêm lẩy lá mai để mẹ, để vợ con, để người thân của mình đón mừng cái tết thêm đẹp đẽ, sáng sủa. Đa phần dân chúng đều tin vào sự kỳ diệu của thiên nhiên, thể hiện trên những búp mai vàng có liên quan đến đời sống sắp tới, có thể là tín hiệu vui tươi, thành công trong cuộc sống, cũng có thể là điềm gở, điềm xấu nếu như cây mai đột nhiên rụng hết bông hoặc “bị điếc”. Và cũng là một thói quen truyền lại từ xa xưa, tết mà thiếu cây mai vàng thì nhà cửa trở nên buồn bã, thiếu sinh khí.

Việc lẩy lá mai trong đêm tối của những người kháng chiến là việc làm công phu, nguy hiểm và điệu nghệ. Để đột nhập đến được cây mai ở vườn nhà mình, họ phải vượt qua nỗi sợ hãi từ chính bản thân và vượt qua cả những trận phục kích, những đụng độ trên đường tuần đêm của nhiều lực lượng, có thể là “dân quân tự vệ”, có thể “địa phương quân” và cũng có thể là mật thám, lực lượng phượng hoàng đặc biệt. Chỉ cần lộ dạng thì việc mất mạng coi như thấy được, biết trước, khó tránh khỏi. Thế nhưng tiếng gọi gia đình thiêng liêng vẫn giúp họ trở nên can đảm, không sợ chết. Lần mò lẩy lá mai trong đêm tối (mà phải lẩy thật nhanh) đòi hỏi người lẩy phải quen việc, phải khéo léo, phải lẩy ngược từng lá sao cho búp mai không bị ảnh hưởng. Mắt không nhìn thấy gì đòi hỏi họ phải tập trung vào đôi tay và đồng thời cũng phải nghe ngóng cảnh giác từng tiếng động nhỏ nhất xung quanh.

Sáng dậy, người nhà thấy cây mai được lẩy lá sạch sẽ trong đêm thì biết ngay người thân của mình đã bất chấp cả chuyện sống chết để biểu lộ tình cảm với gia đình thân thương của mình. Chuyện lẩy lá mai bây giờ là chuyện quá đơn giản nhưng thời chiến là công việc hiểm nguy rình rập vậy đó. Gần nhà tôi có anh du kích về lẩy lá mai cho mẹ đã bị phục kích, bị bắn gục tại chỗ, máu anh nhuộm đỏ cả gốc mai già. Sau này, tôi đi học xa, khi về lại có nghe đồn rằng gốc mai ấy được gọi là huyết mai vì nở ra những bông màu đỏ bầm.

Lại nói chuyện bánh tét ngày tết. Bánh tét không chỉ là thực phẩm giữ được lâu mà những nữ cơ sở cách mạng vận động để gửi cho những người kháng chiến đón tết, nó còn là phương tiện gửi mật thư hữu hiệu nhất vì ruột bánh mềm lại qua nhiều lớp lá gói. Một cán bộ đã kể cho tôi nghe về cái cách bà gánh bánh tét qua các trạm gác để ra chiến khu thế nào. Đó là những chiếc thúng hai tầng, tầng giữa phải đan bằng tre cật chắc chắn phòng giữ mũi xâm của lính gác. Tầng dưới được xếp những đòn bánh tét gọi là “tấm lòng của các bà má hậu phương”. Tầng trên đựng đầy phân mắm, (loại phân xác cá được kéo ra từ các lù làm nước mắm, hôi nồng nặc). Lính gác các cửa ngõ ấp chiến lược mỗi lần thấy mấy bà gánh xác mắm vào rẫy là bịt mũi phẩy tay đi qua cho nhanh. Vậy đó mà những cái tết của những người kháng chiến năm nào cũng đầy đủ, ấm áp.

Trên chiếc đồng hồ lớn của thời gian, những cái tết thời chiến đã đi qua khá lâu, hòa bình trên đất Việt cũng đã thành chuyện quen thuộc của các thế hệ tiếp nối, nhưng tôi nhắc lại những khúc đoạn này như một thời có thật đã diễn ra trên quê hương. Tất cả những gì đi qua đời người đều có giá trị của nó. Thường thì niềm vui, niềm hạnh phúc phải qua đấu tranh gian khổ, thậm chí trả giá bằng mạng sống  mới có được lại mang đến ý nghĩa lớn lao, sâu sắc hơn. Tết thời chiến vì vậy mà mang nhiều phong vị, nhiều dấu ấn và cả tình yêu cũng thể hiện tha thiết, thiêng liêng. 

NguyỄn HiỆp