Đưa nhà sàn vào khu du lịch

Đưa nhà sàn vào khu du lịch

BT- Khi đi tham quan khu nghỉ dưỡng Mũi Né Xưa tại Hàm Tiến (TP. Phan Thiết), tôi cảm thấy thích thú vì nơi đây tất cả đều được làm bằng mây tre, nứa, lá rất gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt tôi rất ấn tượng với những nhà sàn dành cho khách nghỉ dưỡng. Tò mò với lối kiến trúc độc đáo này, hỏi chủ khu nghỉ dưỡng thì anh cho biết tất cả nhà sàn này được làm bởi những bàn tay khéo léo của người dân tộc K’ho. Bởi theo anh, nhà sàn của người K’ho mang một vẻ đẹp đặc sắc của núi rừng được làm hoàn toàn bằng tre, mây, nứa sẽ đem đến sự mới lạ cho du khách. Và một phần cũng là do anh muốn lưu giữ lại những nét đẹp về nhà sàn truyền thống của người dân tộc K’ho.

Tạo hoa khi cột chân vách của người K’ho.

Chính vì vậy, mỗi năm anh đều mời những nghệ nhân người K’ho của tỉnh về để tôn tạo và làm thêm những nhà sàn mới. Vừa đi anh vừa giới thiệu cho tôi về các loại nhà sàn mà khu nghỉ dưỡng của anh đã hoàn thành, có nhà sàn tập thể dành cho trên 10 người, cũng có nhà sàn dành cho 4 người. Nhìn những nhà sàn được làm bằng tay, nhất là mỗi nút cột chân vách bằng dây mây đều được đan thành những hoa văn có họa tiết với những đường nét sắc sảo, tôi mới cảm nhận được sự khéo léo, tinh hoa từ đôi bàn tay của đồng bào dân tộc K’ho.

Anh Châu Mạ Lơn chăm chút cho từng công đoạn để hoàn thiện nhà sàn.

Thật may mắn khi tại khu nghỉ dưỡng này tôi gặp anh Châu Mạ Lơn, người K’ho ở xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Anh chính là người đã làm nên các nhà sàn cho khu nghỉ dưỡng. Anh Mạ Lơn cho biết: Nhà sàn của người K’ho thông thường chọn cột từ cây tre, vách bằng nứa, các sợi dây đan được làm từ dây mây còn mái thì có thể làm từ lá dừa nước, lá cọ hoặc tranh. Tất cả đều phải được lựa chọn cẩn thận. Nhà sàn truyền thống có vách kín nhưng ngày nay khách du lịch thích được ở trong không gian thoáng, gần với thiên nhiên nên làm nhà sàn vách ngắn. Một nhà sàn làm trung bình khoảng 20 ngày, khi dựng cột thì có thêm người phụ còn lại đều một mình anh Lơn làm. Hỏi về cách tạo hoa khi cột chân vách, anh Mạ Lơn nói thêm: Dân tộc chúng tôi dùng dây mây để cột các chân vách. Để nhà sàn thêm đẹp, chúng tôi tự nghĩ ra cách cột theo kiểu tạo hoa cho chân vách. Ban đầu là đan chéo hình chữ X theo hướng từ phải sang trái, cứ thế đan hết 3 lần sẽ xoắn dây đan thành vòng tròn từ trái sang phải để tạo hình hoa. Nghe nói thì dễ nhưng khi thấy anh làm tôi mới biết không hề đơn giản, mà cần phải có kinh nghiệm lẫn sự khéo léo của đôi bàn tay.

Tâm sự thêm về sự giữ gìn và phát huy truyền thống làm nhà sàn của dân tộc mình, anh Châu Mạ Lơn chia sẻ thêm: “Cách làm nhà sàn chỉ được truyền cho con trai trong nhà, nên tôi được cha chỉ dạy từ khi còn nhỏ. Đến nay đã hơn 40 tuổi thì tôi cũng đã theo và yêu nét đặc sắc trong từng căn nhà sàn của dân tộc mình ngót nghét 30 năm”. Ngày nay, thanh niên trong làng không còn hứng thú với việc học làm nhà sàn truyền thống, phần lớn họ chọn những công việc khác hoặc đi làm ở nơi khác. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không làm nhà sàn nữa mà xây nhà bằng gạch nên nhà sàn truyền thống đang dần ít đi, chỉ còn những người cao tuổi trong làng vẫn ở và biết cách làm nhà sàn truyền thống. Đây cũng là điều lo lắng của anh Lơn cũng như những người lớn tuổi trong làng, vì sợ rằng về sau các nhà sàn truyền thống của dân tộc K’ho sẽ dần mai một và không còn ai làm nữa.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần quan tâm, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đặc biệt, cần khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

An Nguyên