Nhớ mùa khoai từ rừng

Nhớ mùa khoai từ rừng!

BT- Tháng 11 âm lịch, khi những cơn gió bấc đầu đông thổi rít, mang theo cái lạnh khô thốc, cũng là lúc bước vào mùa đi rừng đào khoai từ. 

Khoai từ sau khi đào về phải thui.

Nói đi rừng cho oai, chứ kỳ thực khoai từ ở quê tôi chủ yếu mọc ven các bực động cát, xen lẫn trong các bụi rậm, giáp với những khu rừng tràm được trồng dọc các xã Hàm Đức, Hồng Sơn, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc)... Khoai từ có lá giống với dây bìm bìm, nhưng tròn, to dày hơn, dây có gai tại các mắt lá. Đặc biệt, phần rễ khoai trên mặt và củ khoai dưới đất có nhiều lớp gai bao phủ. Nói nôm na, củ khoai từ giống như một kho đạn, còn gai là những hàng kẽm gai, bãi mìn bao bọc chằng chịt xung quanh để bảo vệ - hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong các bộ phim về chiến tranh. Gai khoai từ to, dài như gai cây chùm quân mà người ta hay dùng lể ốc ruốc. Về độ độc, gai khoai từ độc như gai lưỡi long, một loại cây cũng mọc ven động cát. Nếu bị gai khoai từ đâm, cảm giác đầu tiên là nhức thốc lên một cái. Nếu không may gai gãy dính vào da thịt, phải dùng kim lể lấy đầu gai ra, nếu không sẽ mưng mủ và nhức nhiều ngày liền.   

Quê tôi làng Sa Ra, Hàm Đức, nơi phía bắc có núi Tà Dôn, phía tây có sông Cạn, phía đông có rừng tràm chạy dọc đồi cát. Ngày ấy, mỗi khi đến mùa khoai từ, bọn trẻ lớp 7, 8 chúng tôi, sau khi tan học là trở về lùa vội chén cơm, háo hức cùng đám bạn chăn bò hàng xóm vào rừng để đào khoai. Không giống như khoai từ nhà trồng ở ruộng theo từng luống, bán thương phẩm, để đào được khoai từ rừng không dễ chút nào. Kinh nghiệm đào khoai từ rừng, ngoài chuẩn bị dao, rựa phát quang bụi rậm thì dụng cụ cần thiết phải có là những chiếc mủng (gáo) dừa. Gáo dừa không chỉ giúp người đào tránh tiếp xúc trực tiếp với gai, đào khoai nhanh, mà còn giữ cho củ khoai đẹp. Khoai từ cho củ cũng giống như khoai nọc. Một dây khoai từ có nhiều rễ cái và mỗi rễ sẽ hình thành nên một củ, độ to nhỏ của củ tùy theo độ tốt xấu của đất và dây khoai. Trung bình mỗi dây cho 5 – 6 rễ, trong đó có từ 2 đến 3 rễ cái cho củ to, có khi bằng bắp vế, trọng lượng 3-4 ký.

Khoai từ sau khi thui và luộc.

Khoai từ rừng sau khi đào thì mang xuống những vườn dừa dưới bực động, lấy lá dừa chất đống đốt thui cho đến lúc cháy trụi hết lông và gai bên ngoài. Không như khoai từ nhà, nếu bỏ qua việc thui lửa thì khoai sẽ bị xơ. Bí quyết này được lưu truyền cho đến ngày nay, mà không thể lý giải vì sao phải đốt thui thì khoai không bị xơ, còn không thì không thể ăn được. Khoai từ rừng có nhiều bột, bùi, mùi thơm hơn khoai từ nhà. Khoai có thể chế biến các món luộc, nấu chè, nấu xôi, nấu canh thịt, tôm đều được. Sáng mùa đông cảm giác còn ngái ngủ khi bị má gọi dậy đi học, hay đêm mùa đông lạnh, dưới ánh trăng cùng gia đình và đám bạn bên bếp khoai từ rừng luộc hay bên chén chè ngọt ngào, nóng hổi, với mùi thơm phảng phất, vừa ăn vừa trò chuyện thì ấm áp không gì bằng.  

Là người có xu hướng hoài cổ, sống giữa phố xá rộn ràng, mỗi khi đi chợ bắt gặp những món ăn đậm chất “quê” như khoai từ, khoai mì, khoai bình tinh, khoai chuối từ những người ở quê mang lên bán, tôi thường mua để thưởng thức và hồi ức. Nhưng gần đây, những món ăn dân dã này ở thành phố và tại các chợ quê ngày một thưa dần. Vừa rồi trở về quê đúng dịp khoai từ rừng vào mùa, nhưng không khí trầm lắng, không rộn ràng như trước đây. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lũ trẻ ngày nay tất bật với việc học ở trường, học thêm, rồi mải miết với các trò chơi điện tử. Người lớn chẳng còn mặn mà việc đào khoai từ như ngày trước, khi cuộc sống đã có phần khấm khá hơn. Bất chợt nhớ cảm giác bị gai khoai từ đâm, nhớ hình ảnh cả nhà ngồi quây quần bên rổ khoai từ rừng nóng hổi, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Không muốn lỗi hẹn, nên những thằng “trẻ lớn” chúng tôi đã đi đào khoai từ, với ký ức năm tháng tuổi thơ ùa về vẫn còn như nguyên vẹn… 

Phúc Sinh